Làm cha mẹ

6 kỹ năng thoát hiểm cho trẻ khi có cháy

 

Gần đây, các vụ cháy lớn vô cùng thương tâm thường xuyên xảy ra, cướp đi nhiều sinh mạng của nhiều người, trong đó có cả trẻ em. Các con còn quá nhỏ, chưa từng được dạy về cách thoát khỏi nguy hiểm trong tình huống cháy như thế nào nên khả năng bảo vệ bản thân khi cháy còn thấp. Bài viết dưới đây Umbalena sẽ hướng dẫn 6 kỹ năng thoát hiểm khi có cháy cho trẻ để con có thể tự cứu chính mình khi hỏa hoạn xảy ra.

 

6 kỹ năng thoát hiểm cho trẻ khi xảy ra cháy

Kỹ năng 1: Giữ bình tĩnh

 

Kỹ năng quan trọng đầu tiên mà ba mẹ cần dạy cho con khi xảy ra hỏa hoạn chính là giữ bình tĩnh khi xảy ra hỏa hoạn. Bởi hoảng loạn, sợ hãi sẽ làm các con không suy nghĩ được cách thoát thân, thậm chí đưa mình vào tình trạng nguy hiểm hơn. Bằng việc giải thích và hướng dẫn cách thoát hiểm cho trẻ cẩn thận để trẻ biết được mình cần làm gì trong tình huống có xảy ra hỏa hoạn. Trẻ nhỏ ngây thơ, tầm hiểu biết về thế giới xung quanh còn hạn chế nên khi xảy ra cháy, nhiều lúc con sẽ không nhận thức được tình hình và cố nán lại để đem theo món quà yêu thích của con. Ba mẹ nên nhắc nhở con trong tình huống này, việc quan trọng là phải thoát ra khỏi đó càng sớm càng tốt.

 

Kỹ năng 2: Báo cho người lớn

 

Ba mẹ nhắc nhở con báo và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn khi thấy mùi khét, hơi nóng, khói đen hoặc tia lửa… Con có thể thông báo bằng cách kêu to, dùng đồ vật tạo tiếng động lớn để gọi ba mẹ, hàng xóm hoặc ra đường thu hút sự chú ý của người đi đường nếu xung quanh không có người lớn. 

 

Nếu con ở những nơi công cộng như trung tâm thương mại, trường học, sảnh chung cư… con cần nhanh chóng tìm và nhấn chuông báo cháy để báo động cho tất cả mọi người. Do đó, gia đình và nhà trường cần hướng dẫn con nhận biết vị trí và cách sử dụng của những vật dụng này. Nếu không tìm thấy chuông, con cũng không cần phải cố gắng tìm kiếm mà cần chạy thoát thân càng nhanh càng tốt.

 

Nếu con có thiết bị di động, ba mẹ cũng nên dạy con cách gọi cứu hỏa để thông báo về đám cháy.

 

Con cần gọi to người lớn khi phát hiện có đám cháy

 

Kỹ năng 3: Nhận biết lối ra

 

Một trong những kỹ năng thoát hiểm khi có cháy quan trọng chính là kỹ năng khi thoát ra ngoài. Mỗi tòa nhà đều có thiết kế kiến trúc khác nhau, do đó đừng quên tìm hiểu những lối thoát an toàn khi bạn bắt đầu đến sống hay làm việc ở một tòa cao ốc nào đó.

 

Các lối thoát chính: 

 

Nhà độc lập: Cửa chính nhà, lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng 

Căn hộ tầng thấp: Lối ra ban công, cửa sổ khi có thiết bị hỗ trợ như thang, thang dây, dây tự cứu hạ chậm 

Căn hộ tầng cao: Lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (tầng thượng) để thoát sang công trình liền kề.

Dặn bé cố gắng thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt. Tuyệt đối không chần chừ mang theo đồ đạc hoặc nán lại gọi cứu hỏa. 

 

Ba mẹ hướng dẫn con nhận biết các lối ra xung quanh nơi ở

 

Kỹ năng 4: Cách di chuyển khỏi đám cháy

 

Tư thế: Chạy trong tư thế cúi thấp người hoặc trườn bò tới nơi có cửa ra ngoài. Men theo bờ tưởng để giữ được phương hướng khi có nhiều khói và lửa, đồng thời cũng giảm sự xô ngã trong đám đông chạy thoát. Khi chuẩn bị thoát ra bằng một lối cửa hoặc cầu thang, bạn cần kiểm tra trước độ nóng của khu vực đó bằng cách đặt mu bàn tay lên cửa.

 

Chống ngạt khi di chuyển: Dùng khăn ướt che kín miệng và mũi để tránh việc hít phải khói độc gây ngạt thở.

 

Hướng di chuyển: Nếu ở chung cư, trẻ hãy di chuyển từ cửa căn hộ, theo hành lang, đến cầu thang bộ hay cửa vào buồng thang bộ gần nhất (có chữ EXIT màu xanh). Quan sát không có khói, hãy chạy xuống dưới mặt đất. Khi thấy khói ở cầu thang hoặc mở cửa buồng thang có khói, hãy tìm cầu thang bộ hoặc cửa vào buồng thang bộ khác gần đó. Lưu ý chỉ trèo ra ngoài cửa sổ khi thực sự an toàn và bên ngoài có người trợ giúp. Tuyệt đối không dùng thang máy khi chuyển.

 

Sau khi thoát khỏi đám cháy, con cần tập trung tại một nơi an toàn cách xa đám cháy cùng với mọi người để lực lượng cứu hỏa dễ kiểm soát tình hình và sơ cứu nếu bị bỏng. Không quay lại bên trong để lấy đồ đạc hay cứu người khác.

 

Chạy trong tư thế cúi thấp người hoặc trườn bò tới nơi có cửa ra ngoài

 

Kỹ năng 5: Chặn khói phòng vào khi không tìm thấy lối ra

 

Nếu tất cả các lối ra đều bị khói chặn và không thể ra ngoài, hãy đóng cánh cửa đang cháy, tập hợp mọi người vào một phòng, ngăn khói và lửa vào qua cửa bằng cách chặn các khe hở quanh cửa với khăn trải giường, chăn, quần áo ướt hoặc băng dính. Sau đó, đi tới gần phía cửa sổ, ban công để kêu cứu và cho đội cứu hộ dễ tiếp cận, không núp vào những nơi khó phát hiện như phòng tắm, gầm giường. Những nơi này  không có cửa sổ thông gió nên khói độc dễ xâm nhập vào bên trong và khiến các con dễ gặp nguy hiểm hơn.

 

Kỹ năng 6: Dập lửa khi quần áo, tóc bị bắt lửa

 

Trong quá trình chạy thoát khỏi đám cháy, nếu chẳng may quần áo bị bắt lửa, ba mẹ cần hướng dẫn trẻ cách dập lửa bằng việc nhanh chóng nằm ra sàn, lăn qua lăn lại nhiều lần để tắt. Ngoài ra, trẻ cũng nên làm ướt quần áo để hạn chế nguy cơ bắt lửa.

 

Lăn qua lăn lại người khi quần áo, tóc bị bắt lửa

 

Trên đây là 6 kỹ năng thoát hiểm cho trẻ khi có cháy mà Umbalena muốn chia sẻ với các bậc phụ huynh và thầy cô. Ba mẹ, nhà trường cần dạy trẻ thông qua các hoạt động thực tiễn để con có thể ghi nhớ và thực hiện thuần thục khi tình huống không may xảy ra.