Làm cha mẹ

Cách phòng chống các bệnh mùa hè cho trẻ em

 

Mùa hè là điều kiện thuận lợi để các tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn) phát triển mạnh mẽ khiến cho cho nhiều căn bệnh bùng phát. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng có sức đề kháng kém nên nguy cơ mắc bệnh cũng càng cao. Cùng Umbalena tìm hiểu cách phòng chống các căn bệnh mùa hè và chăm sóc trẻ vào mùa hè như thế nào cho hợp lý trong bài viết dưới đây nhé!

 

Vì sao trẻ dễ bị ốm vào mùa hè?

Mùa hè thường được xem là mùa cao điểm của các căn bệnh ở trẻ nhỏ, nhất là những căn bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, hô hấp hay bệnh ngoài da. Nguyên nhân xuất phát từ thời tiết nắng nóng với độ ẩm không khí cao, đây là môi trường thuận lợi để những tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn, muỗi…) sinh sôi, tấn công vào những đối tượng có sức đề kháng kém như người già, trẻ em hay phụ nữ mang thai. Đặc biệt trong số đó là trẻ em vì hệ miễn dịch của các con vẫn còn non yếu, chưa phát triển toàn diện.

 

Ngoài ra, sự chênh lệch nhiệt độ trong mùa hè cũng là lý do khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn, nhất là các căn bệnh đường hô hấp. Với thời tiết hiện tại, nhiệt độ cảm nhận ngoài trời nhiều lúc vượt hơn 40 độ C, trong khi nhiệt độ điều hòa phòng thường được đặt ở mức 20-25 độ C. Sự chênh lệch nhiệt độ rõ rệt này khiến cơ thể của trẻ không thích nghi, dẫn đến sốc nhiệt và gây ra nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp.

 

Các bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ em

 

Dưới đây là một số căn bệnh thường gặp ở trẻ em vào mùa hè:

 

  • Cảm lạnh thông thường: Thường gặp nhất vào dịp đầu hoặc cuối mùa hè với các biểu hiện như hắt xì, đau rát họng, mệt mỏi chán ăn. Cảm lạnh nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến viêm phổi, khởi phát hen nên ba mẹ cần lưu tâm.
  • Sốt siêu vi (sốt virus): Đây là bệnh do nhiều loại virus khác nhau gây ra, thường gặp nhất là các virus đường hô hấp, với các biểu hiện như sốt cao, sổ mũi, ho, đau mỏi người, xuất hiện các ban đỏ mịn trên da.
  • Rôm sảy: Đây là bệnh lý da liễu phổ biến nhất ở trẻ em vào mùa hè do tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn. Biểu hiện của rôm sảy là những nốt mụn đỏ li ti, gây ngứa ngáy khó chịu cho trẻ.
  • Tiêu chảy cấp: Tiêu chảy cấp do virus là bệnh phổ biến nhất ở trẻ em vào mùa hè. Bệnh thường có biểu hiện sốt, nôn, tiêu chảy, phân lỏng nhiều lần trong ngày.
  • Tay chân miệng: Bệnh do virus coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71) gây ra. Bệnh có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, kém ăn, đau họng, sau đó xuất hiện những nốt ban màu hồng có đường kính khoảng 2mm, ở trong miệng và trên da lòng bàn tay, gan bàn chân, đôi khi cũng thấy ở mông và cẳng chân.
  • Thủy đậu: Bệnh do virus varicella zoster gây ra. Bệnh có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, sau đó xuất hiện mụn nước rải rác khắp cơ thể, tập trung nhiều ở mặt, da đầu và thân mình.
  • Sốt xuất huyết: Bệnh do virus dengue gây ra, thường bùng phát vào mùa hè. Bệnh có biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau cơ, khớp, buồn nôn, nôn, phát ban. Trẻ bị sốt xuất huyết không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những tình huống nguy hiểm cho tính mạng.
  • Viêm não Nhật Bản: Bệnh do virus JEV gây ra. Bệnh có biểu hiện sốt cao, nhức đầu dữ dội, nôn, buồn nôn, co giật, hôn mê.

 

Phòng chống các bệnh mùa hè cho trẻ em

 

Dinh dưỡng khoa học, uống đủ nước

Ba mẹ nên bổ sung nhiều trái cây, rau xanh, các thực phẩm dễ tiêu hóa và thực đơn mùa hè cho trẻ. Uống đủ nước (nước lọc, nước trái cây…) để giúp cơ thể bù nước, uống đều đặn suốt cả ngày chứ không phải đợi đến khi khát mới uống. Điều quan trọng là tuân thủ nguyên tắc “ăn chín uống sôi” để ngăn ngừa tình trạng rối loạn tiêu hóa, ngừa các bệnh đường ruột.

 

Giữ gìn vệ sinh thân thể

Mùa hè, trẻ thường đổ nhiều mồ hôi nên ba mẹ cần tắm gội hằng ngày cho trẻ để tránh tình trạng mồ hôi ứ đọng gây bít tắc da, từ đó dẫn đến các bệnh da liễu như nấm, chốc lở, rôm sảy…

 

 

Chống nắng cho trẻ

Thời tiết nắng nóng, tia UV cao khi hoạt động ngoài trời không chỉ làm đen da mà còn gây ung thư da, tổn thương hệ miễn dịch. Do đó, ba mẹ không nên chủ quan mà hãy trang bị thêm những loại quần áo chống nắng, quần áo sáng màu, kính mát hoặc bôi kem chống nắng cho con khi ra ngoài.

 

 

Kiểm soát thời gian chơi ngoài trời cho trẻ

Mặc dù vận động là tốt, ba mẹ cũng không nên để bé chơi quá lâu ngoài trời nắng nóng, nhất là từ 10h sáng đến 4h chiều vì đây là thời điểm tia UV cao. Bên cạnh đó, con cũng dễ mất nước, sốc nhiệt khi ở ngoài trời quá lâu. 

 

 

Tạo không gian sống sạch sẽ, an toàn cho trẻ

Loại trừ bọ gậy, nơi muỗi có khả năng đẻ trứng hoặc trú ngụ như các vũng nước đọng, chum, vại… là biện pháp đặc biệt cần thiết để phòng tránh sốt xuất huyết. Giữ nhà cửa luôn sạch sẽ, thông thoáng, vệ sinh đồ chơi cho trẻ để ngăn ngừa các mầm mống bệnh tật, đồng thời không để nhiệt độ điều hòa quá thấp, hãy để ở khoảng 25-26 độ C nhằm tránh sốc nhiệt cho trẻ.

 

 

Tiêm chủng đầy đủ

Phần lớn các bệnh mùa hè như sởi, thủy đậu đều đã có vắc-xin dự phòng. Vì thế, cách phòng chống đơn giản và hiệu quả cho những bệnh này không gì khác chính là tiêm phòng cho trẻ.

 

 

Bổ sung kiến thức về sức khỏe cho bé

Bên cạnh các biện pháp phòng bệnh mùa hè cho con, ba mẹ cũng nên rèn luyện thói quen tự phục vụ, tự chăm sóc chính mình trong thời tiết nóng bức. Bắt đầu từ việc bổ sung các kiến thức về sức khỏe cho các con. Các thông tin liên quan đến sức khỏe, cơ thể thường khô khan và khó nhớ nên ba mẹ có thể dạy cho con cách bảo vệ sức khỏe thông qua các mẩu truyện tranh từ Umbalena. Hình minh họa dễ thương với ngôn ngữ gần gũi sẽ giúp bé hứng thú hơn và ghi nhớ lâu hơn.

 

 

Trên đây là những biện pháp bảo vệ sức khỏe của con trước những căn bệnh thường gặp mùa hè. Hy vọng với các chia sẻ từ Umbalena sẽ giúp nhà mình có một mùa hè vui khỏe nhé!