Tin tức & Sự kiện

Chiến lược thông minh, dạy con học tốt nhờ Mô hình học tập VARK

Chiến lược thông minh, dạy con học tốt nhờ Mô hình học tập VARK

Mỗi bạn nhỏ - mỗi cá thể với nhiều cách tiếp cận kiến thức hay ho và khác biệt. Thế nên chẳng có bạn nào là “học đúng” hay “học sai” vì kiến thức được tiếp thu thông qua tận năm giác quan. 

Phổ biến trong tâm lý học và giáo dục học, bố mẹ đã từng thoáng nghe qua về Mô hình học tập đa thể thức VARK chưa? 

Đây là mô hình giúp nhiều bố mẹ thành công trong việc xác định cách mà con học tập tốt nhất. Theo đó, con sẽ thu nạp kiến thức hiệu quả hơn khi được tiếp cận phương pháp phù hợp với phong cách học tập, sở trường và sở thích của mình. Nhờ đó mà bố mẹ có thể bắt tay ngay vào việc lên chiến lược thông minh để dạy con học tốt! Hãy cùng Umbalena giải mã mô hình học hiệu quả này nhé!

*Bố mẹ đã nắm rõ cách học tập của con chưa?

Mô hình VARK được phát triển bởi Neil Fleming và Colleen Mills. Mô hình sáng tạo này nhanh chóng được ưa chuộng trên toàn thế giới và được áp dụng thành công, đồng hành cùng nhiều cá nhân xuất chúng trên con đường lĩnh hội tri thức.

VARK là 4 chữ cái đầu của 4 phương pháp học tập theo diện đa thể thức (Multimodal):

(Visual - V): Thị giác - Khả năng lĩnh hội khi nhìn bằng mắt 

(Auditory - A) Thính giác - Khả năng lĩnh hội khi nghe qua tai 

(Reading/Writing - R) Đọc/viết - Khả năng lĩnh hội khi đọc bằng mắt/miệng và viết bằng tay 

(Kinesthetic – K) Vận động - Khả năng lĩnh hội bằng hoạt động tay, chân… 

Mô hình học tập VARK được khái quát với những nét chính như sau:

1. Học qua thị giác (Visual - V):

Bạn nhỏ nhà mình có xu hướng tiếp thu tốt hơn thông qua quan sát hoặc tiếp cận với nội dung bằng hình vẽ/tranh ảnh không bố mẹ nhỉ? Nếu đúng thế thì bé nhà mình thích hợp nhất với mô hình học qua thị giác đấy.

Ngoài ra, con còn có khả năng hình dung ra các khái niệm từ các những gì mình nhìn thấy, từ đó kết nối các thông tin theo mối quan hệ với nhau và mô hình hóa trong đầu. 

Trong trường hợp này, bố mẹ hãy ưu tiên chọn sách tóm tắt các thông tin theo dạng biểu đồ, đồ thị, thông tin dạng ảnh hoặc dàn ý cho con nhé. Và chớ quên khuyến khích con ghi chép lại các ý chính trong bài đọc, nhờ thế, con sẽ mất ít thời gian học thuộc bài hơn và cũng ghi nhớ lâu hơn. 

Sau này khi đến lớp con sẽ theo thói quen đó mà sắp xếp nội dung ghi chép theo cách kích thích thị giác để nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức.

2. Học qua thính giác (Auditory - A):

Bạn nhỏ nào ưa thích phong cách này có khuynh hướng thích lắng nghe hơn là đọc hay viết. 

Con có thể nhanh nhạy tiếp thu bất kỳ thông tin nào dưới dạng sách nói hay podcast, bởi phương thức này cho phép bạn nhỏ xử lý thông tin cùng lúc với dòng suy nghĩ của chính mình. 

 

Việc đọc to thành tiếng hay nghe sách nói trong thư mục Audio Books nhà Umbalena cũng là một gợi ý không tồi trong list những hoạt động thú vị cùng con đấy!

Một cách khá hay ho nữa là bố mẹ có thể khuyến khích bé mạnh dạn nói lên những gì mình nghĩ sau khi nghe và rút ra kết luận về vấn đề đó. 

3. Học qua đọc/viết (Reading/writing - R):

Để nhận biết con có thuộc phương pháp này hay không, bố mẹ hãy thử trả lời những câu hỏi như: “Bạn nhỏ nhà mình có phải là một “mọt sách” chính hiệu? “Bạn ấy có ham mê tương tác với tài liệu ở dạng văn bản toàn chữ viết?”. Nếu câu trả lời toàn là có, thì bạn ấy đích thị là đứa trẻ “người nhiều chữ”.

Con có xu hướng xử lý thông tin một cách thật cẩn trọng và đọc đi đọc lại những gì mình ghi chép. Bằng cách này bé sẽ tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất.

 

Một gợi ý cho bố mẹ là hãy hướng dẫn con sử dụng các kỹ năng mô hình hóa như sơ đồ tư duy. Bên cạnh đó bổ sung nhiều chú thích vào các bản ghi chép để lưu lại những suy nghĩ và lưu ý của bản thân.

4. Học qua vận động (Kinesthetics - K):

Những bạn nhỏ yêu thích phương pháp này có một điểm dễ nhận thấy là không thể ngồi yên một chỗ trong thời gian dài mà khát khao muốn tự mình trải nghiệm thực tế. Con tò mò được thử, được tự do khám phá để hiểu rõ bản chất của sự việc.

Theo phong cách học này, bố mẹ cần phải trao quyền cho con tự giải quyết các vấn đề, tự hoàn thành bài tập và trả lời các câu hỏi đố. 

Việc bạn nhỏ chủ động phân tích các vấn đề rất có lợi cho quá trình lưu trữ ký ức. Bố mẹ cũng có thể khuyến khích bé chơi các trò chơi nhập vai theo kịch bản và tình huống nhé.

 

Giờ thì bố mẹ đã có câu trả lời phù hợp nhất cho cách tiếp cận học tập ưa thích của con chưa? Xác định được con là người học thuộc loại hình nào, mỗi phụ huynh có thể tìm được phương pháp chuẩn xác nhất đồng hành cùng trẻ trên chặng đường chinh phục đỉnh cao tri thức.