Có nên "đánh chừa" khi trẻ bị ngã? Cách xử lý khi trẻ khóc ăn vạ
Khi trẻ khóc ăn vạ do bị ngã, thói quen của nhiều ba mẹ là sẽ “đánh chừa” đồ vật. Cách này có thể khiến trẻ ngừng khóc trong lúc đó nhưng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức và tính cách của trẻ về sau. Trẻ được “đánh chừa” khi ăn vạ sẽ dễ hình thành thói quen đổ lỗi, tính tình hung hăng, dễ nóng giận.
1. “Đánh chừa” khi trẻ khóc ăn vạ: Lợi hay hại?
Nếu nhà bạn có em bé, không khó để bắt gặp tình trạng người nhà, nhất là thế hệ lớn tuổi dỗ dành trẻ em khi bị té ngã bằng cách “đánh ghế”, “đánh sàn” hay thậm chí là “đánh chị hai không chăm em, không thương em này”.
Hành vi “đánh chừa” của người lớn xuất phát từ tâm lý muốn giải quyết nhanh cơn ăn vạ, mè nheo của bé để bé yên tĩnh hơn và ba mẹ có thời gian để làm việc khác. Trẻ con thì nhóc tì nào cũng muốn được nuông chiều, không thích nhận sai, não bộ sẽ thường có cảm giác hài lòng tức thời khi “đổ lỗi thành công”. Đơn giản và hiệu quả nhanh nên nhiều ba mẹ, ông bà áp dụng cách làm này mà không biết hậu quả khôn lường của nó.
Chúng ta thường cho rằng trẻ còn nhỏ sẽ không nhớ gì và việc “đánh chừa” để xoa dịu nỗi đau, cho con nhanh nín khóc chỉ là phương án tạm bợ, không gây ảnh hưởng nhiều tới bé. Nhưng thực tế, trẻ con học rất nhanh, cứ nhiều lần như vậy, trẻ hiểu lầm rằng mình có quyền đánh bất cứ đồ vật hay thậm chí là người đã làm bé bị tổn thương hoặc không vui.
Lý do không nên “đánh chừa” để dỗ trẻ khi bị ngã
2. Vì sao không nên “đánh chừa” khi trẻ khóc ăn vạ do bị ngã?
Tạo thói quen đổ lỗi cho hoàn cảnh
Khi ba mẹ "đánh chừa" đồ vật, trẻ sẽ học theo và tin rằng đó là nguyên nhân khiến con bị đau. Điều này khiến trẻ hình thành thói quen đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác thay vì tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Việc trẻ bị ngã là do con không cẩn thận, thiếu chú ý và do lỗi của trẻ chứ không phải những đồ vật vô tri.
Làm trẻ trở nên hung hăng
Việc thường xuyên chứng kiến ba mẹ "đánh chừa" có thể khiến trẻ học theo hành vi hung hăng, từ đánh đồ vật có thể chuyển sang đánh bạn bè, người lớn hơn khi vô tình làm bé đau. Trẻ có thể sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề thay vì giao tiếp và thỏa hiệp.
Gây thiếu tự tin cho trẻ
Khi trẻ luôn được ba mẹ bênh vực và đổ lỗi cho hoàn cảnh, trẻ sẽ trở nên thiếu tự tin vào bản thân. Mặc dù nhìn bên ngoài, trẻ có vẻ năng động, không sợ gì với những trò nghịch ngợm của mình nhưng thực tế, trẻ sẽ e dè khi đối mặt với thử thách và khó khăn vì sợ mắc sai lầm.
Ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ
Hành vi "đánh chừa" bạo lực của ba mẹ có thể khiến trẻ cảm thấy sợ hãi và mất an toàn. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa ba mẹ và con cái. Một mặt trẻ bắt chước hành vi bạo lực này của ba mẹ, mặt khác, trẻ cũng sợ mình bị ba mẹ đánh nếu làm sai.
Trẻ luôn được bênh vực, không nhận trách nhiệm sẽ thiếu tự tin hơn
3. Cách xử lý khi trẻ ăn vạ do bị ngã
Khi trẻ bị ngã và khóc ăn vạ, điều quan trọng là cha mẹ cần giữ bình tĩnh và xử lý tình huống một cách khôn khéo để giúp trẻ bình tĩnh lại và học hỏi từ sự việc.
Xoa dịu cảm xúc của trẻ và kiểm tra vết thương
Điều đầu tiên cần làm khi trẻ vấp ngã là ba mẹ cần xoa dịu cảm xúc và cơn đau của trẻ. Ba mẹ cần xử lý vết thương: xoa, bôi thuốc nếu xây xát nhẹ và đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu trẻ bị thương nặng. Hãy tỏ ra đồng cảm với cơn đau mà con trải qua bằng những câu nói như “Mẹ biết bé con của mẹ đau lắm phải không, để mẹ thoa thuốc cho nhé!” để con bớt sợ hãi và giữ bình tĩnh sau khi xảy ra sự cố.
Phân tích nguyên nhân sự việc
Sau khi đã xử lý vết thương và xoa dịu con, ba mẹ có thể cùng con phân tích nguyên nhân khiến con ngã. Có thể do con không chú ý lối đi, chạy quá nhanh nên bị vấp hay do chính ba mẹ không cất ghế gọn gàng. Lúc này, thay vì “đánh chừa” đồ vật thì hãy phân tích cho con hiểu được đấy không phải do lỗi của ghế hay sàn mà con cần cẩn thận hơn. “Con tông vào ghế đau như thế thì bạn ghế bị tông cũng đau như vậy đó!”
Chấp nhận sai lầm của trẻ
Nếu nguyên nhân gây ra cú ngã đến từ bé, và cú ngã đó làm đổ vỡ, hư hỏng đồ vật nào, ba mẹ cũng không nên la mắng nặng, bạo lực với con, nhất là ở nơi đông người. Giúp con nhận ra lỗi của mình, chấp nhận sai lầm của con bằng thái độ bình tĩnh và cùng con khắc phục phục hậu quả sẽ làm cách giáo dục tốt cho bé hơn là đòn roi và những ngôn từ gây tổn thương đến lòng tự trọng của con.
Người lớn là tấm gương
Trẻ thường hay bắt chước hành vi của ba mẹ, do đó, nếu phụ huynh cũng hay đổ lỗi cho những hành vi của mình, trẻ cũng có xu hướng làm theo. Hãy thiết lập bộ quy tắc trong gia đình từ những việc nhỏ để rèn luyện tinh thần chịu trách nhiệm. Từ đó giúp trẻ trở nên dũng cảm, thành thật và biết đối diện với khó khăn hơn.
Cách xử lý khi trẻ khóc ăn vạ do bị ngã
“Đánh ghế, bế con” khi trẻ bị ngã chưa bao giờ là hành vi đúng để dỗ dành trẻ khi trẻ ăn vạ do bị ngã. Trẻ em như tờ giấy trắng, những gì chúng học hỏi được từ người lớn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này. Hãy dành thời gian để giáo dục con cái một cách khoa học và hiệu quả để giúp con phát triển toàn diện, ba mẹ nhé!