Tin tức & Sự kiện

CON NÓI BẬY RỒI DẠY SAO

CON NÓI BẬY RỒI DẠY SAO

Trẻ em như những trang giấy trắng, dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ mọi lời nói, hành động xung quanh. Việc sử dụng ngôn ngữ tục tĩu ở trẻ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ việc bắt chước người lớn đến thiếu kỹ năng giao tiếp hoặc gặp vấn đề tâm lý. Là người định hướng và uốn nắn hành vi của con, bài viết này trên Umbalena sẽ cung cấp cho bố mẹ những phương pháp hiệu quả để giúp con bỏ thói quen nói tục.

1. Vun đắp môi trường gia đình văn minh

Bố mẹ cần làm tấm gương sáng cho con bằng cách sử dụng ngôn ngữ lịch sự, ôn tồn trong giao tiếp, tránh chửi thề hay nói tục. Lời nói của cha mẹ chính là bài học đầu tiên và có ảnh hưởng sâu sắc đến cách con trẻ sử dụng ngôn ngữ.

Ngoài ra, thường xuyên trò chuyện cởi mở và thẳng thắn trao đổi với con về tác hại của việc nói tục, chửi thề cũng là cách để giải thích cho con hiểu tầm quan trọng của việc sử dụng ngôn ngữ phù hợp trong từng hoàn cảnh, giúp con nhận thức được ảnh hưởng của lời nói đến bản thân và mọi người xung quanh.

2. Khám phá nguyên nhân - Giải quyết gốc rễ:

Con có thể học theo những người xung quanh, đặc biệt là bạn bè, người thân. Bố mẹ hãy quan sát và tìm hiểu xem con tiếp xúc với những ai và học hỏi điều gì từ họ nhé. Đôi khi con có thể gặp khó khăn trong việc thể hiện bản thân, dẫn đến sử dụng ngôn ngữ thiếu văn minh để thu hút sự chú ý hoặc giải tỏa cảm xúc, một số trẻ có thể nói tục do gặp vấn đề tâm lý như stress, lo lắng, hoặc rối loạn hành vi.

Để đồng hành cùng con giải quyết vấn đề hiệu quả, bố mẹ cần tạo môi trường an toàn để con chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ, lắng nghe con một cách tích cực và đồng cảm đồng thời dạy con cách thể hiện bản thân bằng ngôn ngữ phù hợp trong từng tình huống, khuyến khích con sử dụng ngôn ngữ lịch sự và tôn trọng người khác. Nếu nghi ngờ con gặp vấn đề tâm lý, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia tâm lý để có phương pháp hỗ trợ phù hợp.

4. Kỷ luật vun đắp lời nói đẹp:

Đầu tiên, bố mẹ cần thiết lập quy tắc cụ thể về việc sử dụng ngôn ngữ trong gia đình để đảm bảo con hiểu rõ hành vi nào được khuyến khích và hành vi nào cần tránh.

Hình thức kỷ luật cần được áp dụng phù hợp khi con vi phạm quy tắc, ví dụ như: phạt úp mặt vào tường, viết bản kiểm điểm, hoặc làm việc nhà. Tuy nhiên, cần lưu ý chọn hình phạt tương xứng với lỗi lầm và không mang tính bạo lực.

Đồng thời bố mẹ đừng quên khen ngợi và động viên con khi con sử dụng ngôn ngữ lịch sự và tôn trọng. Lời khen ngợi chân thành sẽ củng cố hành vi tốt và khuyến khích con tiếp tục phát huy.

5. Hạn chế môi trường tiêu cực

Bố mẹ cần hạn chế cho con tiếp xúc với môi trường có nhiều người nói tục, chửi thề, đặc biệt là những người mà con yêu quý và tôn trọng. Dạy con cách giải tỏa cảm xúc tiêu cực bằng những phương pháp lành mạnh như vẽ tranh, viết nhật ký, hoặc chơi thể thao cũng là những ý tưởng văn minh, việc này giúp con giải tỏa năng lượng tiêu cực và hướng đến những hoạt động tích cực hơn.

Hãy luôn tạo cho con môi trường sống vui vẻ, thoải mái và tràn đầy yêu thương. Con sẽ cảm thấy an toàn và tự tin để phát triển tính cách tích cực và sử dụng ngôn ngữ văn minh.


Lời nói đẹp không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với bản thân và mọi người xung quanh mà còn góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ. Hãy gieo mầm những lời nói đẹp vào tâm hồn trẻ thơ, góp phần tạo nên những thế hệ tương lai văn minh, thanh lịch, hãy cùng con vẽ nên bức tranh ngôn ngữ đẹp bằng sự yêu thương và nỗ lực của cả gia đình, bố mẹ nhé!