Tin tức & Sự kiện

Giáo dục giới tính cho trẻ mầm non, tiểu học nên bắt đầu từ đâu?

Giáo dục giới tính cho trẻ mầm non, tiểu học nên bắt đầu từ đâu?

 

Giáo dục giới tính là một chủ đề nhạy cảm nhưng vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với trẻ mầm non và tiểu học. Đây là giai đoạn hình thành nhận thức và định hình nhân cách của trẻ, do đó, việc trang bị cho trẻ những kiến thức và kỹ năng cần thiết về giới tính đóng vai trò then chốt trong việc giúp trẻ phát triển toàn diện, an toàn, từ đó tránh được các tệ nạn gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của trẻ sau này.

1.Tại sao giáo dục giới tính cho trẻ mầm non, tiểu học lại quan trọng?

Tại Việt Nam, khi nhắc đến cụm từ “giáo dục giới tính”, nhiều bậc phụ huynh, giáo viên vẫn còn rất e ngại, né tránh đề cập vấn đề này với con trẻ. Trẻ em không được giải đáp các thắc mắc sẽ có xu hướng tự tìm đến các nguồn thông tin không được kiểm duyệt trên mạng Internet để thỏa sự tò mò, từ đó dẫn đến các hành vi lệch lạc, không hợp độ tuổi. Mặt khác, nếu trẻ không được trang bị kiến thức đầy đủ, có thể sẽ không biết cách bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị xâm hại tình dục. Vì thế, việc giáo dục giới tính sớm cho trẻ mầm non và tiểu học là rất quan trọng.

  • Giúp trẻ hiểu rõ về bản thân: Trẻ sẽ hiểu được sự khác biệt về giới tính, tên gọi chính xác của các bộ phận trên cơ thể, tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và bảo vệ cơ thể khỏi những tác động bên ngoài.

  • Phát triển kỹ năng sống: Trẻ học được cách ứng xử phù hợp trong các tình huống giao tiếp, cách giải quyết mâu thuẫn, cách bảo vệ bản thân khỏi những hành vi xâm hại tình dục, đồng thời rèn luyện tính tự tin và độc lập.

  • Nhận thức giá trị bản thân: Khi trẻ nhận được việc giáo dục giới tính đúng cách, trẻ sẽ hiểu được tầm quan trọng của sự tôn trọng, yêu thương bản thân và người khác, biết cách cư xử đúng mực trong các mối quan hệ và xây dựng những giá trị đạo đức tốt đẹp.

  • Chuẩn bị cho tương lai: Trẻ được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để bước vào giai đoạn dậy thì một cách tự tin và sẵn sàng, đồng thời có khả năng đưa ra những quyết định sáng suốt về sức khỏe sinh sản và tình dục trong tương lai.

Giáo dục giới tính ngay từ nhỏ để trẻ bảo vệ bản thân đúng cách

2. Nên bắt đầu giáo dục giới tính cho trẻ từ bao giờ?

Cory Silverberg, nhà giáo dục giới tính và tác giả nổi tiếng với các đầu sách về giáo dục giới tính cho trẻ em, đề xuất một lộ trình cụ thể để giáo dục giới tính cho trẻ theo từng độ tuổi, giúp cha mẹ và giáo viên dễ dàng tiếp cận và thực hiện như sau:

Trẻ dưới 2 tuổi:

  • Nhận biết các bộ phận cơ thể: Gọi tên chính xác các bộ phận trên cơ thể, bao gồm cả bộ phận sinh dục, bằng ngôn ngữ đơn giản và phù hợp.

  • Khái niệm về sự riêng tư: Giới thiệu khái niệm về sự riêng tư, phân biệt giữa "chạm vào được" và "không được chạm vào", đặc biệt là các vùng kín.

Trẻ từ 2 đến 5 tuổi:

  • Nguồn gốc của trẻ sơ sinh: Giải thích đơn giản về cách trẻ sơ sinh được tạo ra, phù hợp với nhận thức của trẻ.

  • Giao tiếp về đụng chạm: Dạy trẻ khi nào được phép và không được phép chạm vào người khác, đồng thời khuyến khích trẻ nói ra khi cảm thấy không thoải mái.

Trẻ từ 6 đến 8 tuổi:

  • Thay đổi cơ thể trong dậy thì: Bắt đầu giới thiệu về những thay đổi cơ thể khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi.

  • Khái niệm về tình yêu thương và tôn trọng: Giáo dục trẻ về tình yêu thương, sự tôn trọng và lòng vị tha trong các mối quan hệ.

Trẻ từ 9 đến 11 tuổi:

  • Giáo dục giới tính chi tiết: Cung cấp thông tin chi tiết hơn về tình dục, bao gồm các khái niệm như quan hệ tình dục, tình dục an toàn và trách nhiệm tình dục.

  • Giải đáp thắc mắc: Tạo môi trường cởi mở để trẻ thoải mái đặt câu hỏi và chia sẻ suy nghĩ về các vấn đề giới tính.

3. 5 cách giáo dục giới tính cho trẻ mầm non, tiểu học

Bắt đầu từ sớm

Việc giáo dục giới tính nên bắt đầu từ khi trẻ còn nhỏ, ngay từ những câu hỏi tò mò về cơ thể, về sự khác biệt giữa nam và nữ. Cha mẹ và thầy cô nên trả lời những câu hỏi của trẻ một cách cởi mở, trung thực và phù hợp với lứa tuổi. Tuy nhiên cũng không nên quá vội vàng, nếu thấy con chưa sẵn sàng tiếp nhận những kiến thức ở lĩnh vực này, bạn nên dừng lại để tránh “phản tá c dụng”. Ví dụ, bé hỏi con được sinh ra như thế nào, bạn không nên đáp lại bằng các câu như con sinh ra từ nách, từ lỗ rốn… Thay vào đó, hãy cho con xem các thước phim hoạt hình khoa học về cách “nòng nọc” đi tìm trứng cũng như sự hình thành của em bé trong bụng mẹ.

Sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu

Thay vì sử dụng những thuật ngữ khoa học phức tạp, hãy sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu để trẻ có thể tiếp thu thông tin một cách dễ dàng. Ba mẹ và thầy cô có thể sử dụng các câu chuyện, hình ảnh, video để minh họa cho bài giảng. Thư viện số Umbalena với rất nhiều các đầu sách thuộc chủ đề Sức khỏe và cơ thể với các hình ảnh minh họa dễ thương, sinh động và cách dẫn dắt khéo léo, thú vị sẽ là cách giúp bé tìm hiểu về giới tính một cách an toàn và gần gũi.

Sử dụng sách truyện để tiếp cận trẻ khi giáo dục về giới tính

Tạo môi trường thoải mái, cởi mở

Trẻ cần cảm thấy thoải mái và an toàn khi chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình về giới tính. Ba mẹ và thầy cô nên tạo ra một môi trường cởi mở, khuyến khích trẻ đặt câu hỏi và thảo luận về các vấn đề liên quan đến giới tính.

Liên hệ với thực tế

Hãy liên hệ những kiến thức về giới tính với cuộc sống hàng ngày của trẻ để giúp trẻ hiểu rõ hơn về vấn đề này. Ví dụ, Ba mẹ có thể đóng vai dạy trẻ cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, cách bảo vệ bản thân khỏi những kẻ xâm hại tình dục, hoặc cách cư xử phù hợp trong các mối quan hệ.

Lắng nghe và tôn trọng ý kiến của trẻ

Ba mẹ và thầy cô cần lắng nghe và tôn trọng ý kiến của trẻ về các vấn đề liên quan đến giới tính. Trẻ cần được tham gia vào quá trình giáo dục giới tính để cảm thấy mình được tôn trọng và có tiếng nói trong việc quyết định những gì sẽ học.

4. Những lưu ý khi giáo dục giới tính cho trẻ em

Một số lưu ý ba mẹ cần để tâm khi giáo dục giới tính cho trẻ: 

  • Tập ngủ riêng cho trẻ để tránh trẻ nhìn thấy những hình ảnh nhạy cảm của ba mẹ.

  • Cho trẻ mặc đồ lót khi trẻ bắt đầu đi học mầm non cũng như dạy trẻ về “vùng đồ lót” để trẻ biết rằng vị trí này chỉ có bác sĩ mới được phép đụng vào khi có sự chứng kiến của ba mẹ hoặc ông bà và phải có sự đồng ý của bé

  • Dạy trẻ vệ sinh cá nhân, tắm rửa, làm sạch vùng kín đúng cách. Đặc biệt là với các bé gái, mẹ cần hướng dẫn bé làm sạch từ trước ra sau để tránh nguy cơ bị nhiễm khuẩn.

  • Ba mẹ hãy trở thành người bạn đồng hành tin cậy của con để con có thể thoải mái chia sẻ những vấn đề mà bé đang gặp phải. Nếu có một số vấn đề của bé bạn chưa biết diễn giải thế nào cho hợp lý, hãy hẹn bé vào một thời điểm cụ thể trong tương lai để nói một cách rõ ràng chứ không nên lảng tránh.

Giáo dục giới tính cho trẻ mầm non, tiểu học là một trách nhiệm quan trọng của cha mẹ và nhà trường. Bằng cách trang bị cho trẻ những kiến thức và kỹ năng phù hợp, chúng ta có thể giúp trẻ phát triển một cách lành mạnh, tự tin và có trách nhiệm, góp phần bảo vệ con khỏi những tệ nạn quấy rối, xâm hại tình dục ngày càng biến động hiện nay.