Làm cha mẹ

Làm gì khi con bị bạn đánh? Không can thiệp trực tiếp nhưng vẫn bảo vệ được con!

 

Con bước vào độ tuổi mầm non, tiểu học là ba mẹ cũng phải đối mặt với trăm ngàn nỗi lo khác nhau. Bên cạnh việc học, vấn đề bạo lực học đường, con bị bạn đánh khi đến trường cũng khiến nhiều phụ huynh trăn trở. Vậy làm sao cho đúng khi con bị bạn đánh? Không cần can thiệp trực tiếp nhưng vẫn bảo vệ được con, dưới đây là những cách xử lý hiệu quả tình huống này mà Umbalena muốn chia sẻ đến những phụ huynh có con nhỏ!

 

Lý giải tình trạng bắt nạt ở độ tuổi mầm non, tiểu học

Bị bạn bắt nạt ở trường là điều không ba mẹ nào muốn con mình phải trải qua và dù ở độ tuổi, tính cách nào thì con đều có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Theo số liệu khảo sát của các chuyên gia tâm lý, những đứa trẻ có tính cách hướng nội, nhút nhát, ít nói trong lớp hoặc những đứa trẻ quá tốt bụng, quá hiền lành cũng thường sẽ dễ bị bắt nạt ở lớp.

 

Chẳng hạn như trẻ thường hay đem đồ ăn và chia cho bạn bè cùng lớp, dần dà, một số trẻ khác sẽ cứ tìm đến đứa trẻ này để “đòi” nhiều hơn. Trẻ em có tâm lý “hùa theo” khá mạnh mẽ, nếu thấy vài bạn bắt nạt 1 bạn khác, những trẻ còn lại cũng sẽ làm theo. Mặc khác, những đứa trẻ bị bắt nạt vì không muốn bị cô lập, khao khát sự chấp nhận từ chính những đối tượng bắt nạt mình nên để trở thành 1 phần của nhóm bắt nạt,  trẻ có thể dung túng, chịu đựng những hành vi xấu này.

 

 

Trẻ con có tâm lý “hùa theo” để bắt nạt các bạn học khác

 

Dấu hiệu cho thấy con bị bạn bắt nạt tại trường

Có những trường hợp trẻ sẽ chủ động nói với ba mẹ về việc con bị bạn đánh khi đi học, nhưng cũng nhiều trường hợp trẻ chỉ im lặng chịu đựng, không kể chia sẻ với gia đình. Đối với một số bạn nhỏ, việc bộc lộ “khuyết điểm”, “nỗi đau” của mình với người lớn đôi khi là sự xấu hổ, tồi tệ hơn cả việc bắt nạt. 

Nếu trẻ không đề cập vấn đề này với phụ huynh, ba mẹ cũng có thể thông qua những dấu hiệu dưới đây để biết con có đang bị bạn bắt nạt ở trường hay không.

 

Về thể chất:

- Có vết thương, bầm tím hoặc trầy xước không rõ nguyên nhân.

- Mất hoặc hỏng đồ đạc.

- Hay bị ốm hoặc đau bụng, đau đầu mà không rõ lý do.

- Khó ngủ, mất ngủ hoặc gặp ác mộng.

- Ăn uống kém hơn bình thường.

- Xuất hiện các hành vi thoái lui như tè dầm, khóc nhè, ngậm ngón tay không rõ nguyên nhân.

 

Về hành vi:

- Tránh đi học hoặc tham gia các hoạt động xã hội.

- Khi được hỏi về bạn bè ở trường thường có xu hướng né tránh không trả lời

- Mất hứng thú với các hoạt động mà trẻ từng thích.

- Trở nên dễ cáu kỉnh, hung hăng hoặc lo lắng

- Thu mình, ngại tiếp xúc

- Có kết quả học tập sa sút.

- Thường xuyên xin thêm tiền tiêu vặt do người bắt nạt đòi tiền của trẻ.

 

Trẻ thường có xu hướng né tránh khi hỏi về trường lớp

 

Về cảm xúc:

- Buồn bã, chán nản hoặc tuyệt vọng.

- Cảm thấy cô đơn, bị cô lập hoặc xa lánh.

- Mất lòng tự trọng hoặc tự tin.

- Ở những trẻ lớn hơn như cấp 2, cấp 3, trẻ có thể suy nghĩ về việc tự tử hoặc tự làm hại bản thân.

 

Các cách xử lý sai lầm khi con bị bạn đánh

Con bị bạn đánh, bị cô lập, bắt nạt ở trường đã phải chịu rất nhiều tổn thương về cả thể xác lẫn tinh thần. Nếu ba mẹ không có cách xử sự hợp lý, vấn đề bắt nạt không được giải quyết mà trẻ lại càng bị tổn thương nhiều hơn  Dưới đây là một số hành vi ba mẹ nên tránh khi xử lý việc con bị bạn đánh:

 

“Không có lửa làm sao có khói”

 

Đứa trẻ bị bắt nạt trên trường, về nhà kể với ba mẹ để mong nhận lại 1 sự giúp đỡ thì lại nhận về câu nói “ không có lửa làm sao có khói” của ba mẹ. Việc cho rằng con mình “phải làm gì đó thì bạn mới đánh, đổ lỗi cho con khi chưa biết ngọn nguồn sự việc không chỉ không giúp trẻ giải quyết được vấn đề mà còn khiến trẻ bị tổn thương lần nữa, làm con cảm thấy bị cô lập và không được tin tưởng. Dần dà, trẻ sẽ chọn cách chịu đựng một mình, nỗi đau bị dồn nén đôi khi sẽ gây ra nhiều hậu quả khôn lường vượt ngoài tầm kiểm soát của ba mẹ.

 

Gặp mặt trực tiếp “thủ phạm”, đánh trả giúp con

 

Ngược với việc đổ lỗi cho con, nhiều phụ huynh vì thương con và nóng giận lại chọn cách “giúp con đánh trả” hay “đối chất trực tiếp” với đứa trẻ có hành vi bắt nạt con mình. Gặp mặt trực tiếp khi nóng giận có thể dẫn đến những hành vi không kiềm chế như lao vào tấn công lại đứa trẻ bên kia. Cái sai này nối tiếp cái sai khác, mâu thuẫn vẫn tiếp diễn hoặc thậm chí trẻ có thể bị bắt nạt tệ hơn ban đầu. Các cuộc gặp gỡ giữa 2 bên nên được sắp xếp bởi nhà trường và diễn ra tại trường học của trẻ. Ngoài ra, việc bảo vệ con quá mức như vậy cũng không giúp con trở nên mạnh mẽ hơn, không biết cách xử lý đúng đắn khi đối mặt với xung đột. 

 

Ba mẹ xử lý thế nào khi con bị bạn đánh?

Sức mạnh không nằm ở nắm đấm mà phải là sức mạnh nội tại của trẻ. Ba mẹ cũng không thể theo sát bảo vệ con mọi lúc mọi nơi hay đợi đến lúc bạo lực xảy ra rồi mới tìm cách giải quyết. Ba mẹ có thể dạy con một số kỹ năng để trẻ tự bảo vệ mình và xử lý đúng khi con bị bạn đánh:

 

Bảo vệ bản thân bằng lời nói

 

Dùng vũ lực ở lứa tuổi của các con không phải là cách giải quyết vấn đề hay bảo vệ chính mình. Khi trẻ bị bạn đánh hay cảm thấy mình bị bắt nạt, ba mẹ hãy dạy trẻ nói lên suy nghĩ của mình với người đánh và cho họ biết rằng hành động ấy làm đau con, chẳng hạn như “Tại sao bạn lại đẩy mình? Bạn đang làm đau mình đó!”. Nói to, rõ ràng cho mọi người xung quanh đều có thể nghe thấy và nhận sự giúp đỡ từ họ. Đối tượng bắt nạt cũng sẽ bị gián đoạn hành vi bạo lực của mình khi bị chú ý quá nhiều.

 

Hiểu đúng về hành vi của người khác

 

Khi chuyện con bị bạn đánh đã xảy ra, ba mẹ cũng đừng quá nóng giận và mất bình tĩnh. Đôi khi định nghĩa về việc “bị bạn đánh” giữa con và ba mẹ khác nhau. Để tránh hiểu lầm, ba mẹ nên đặt những câu hỏi cụ thể hơn để xác thực vấn đề, như: “Bạn đánh con như thế nào? Bạn đánh ở đâu? Con có hỏi bạn tại sao đánh mình không?”. Đối mặt với vấn đề bằng thái độ khách quan để con học được cách hòa hợp với bạn bè, người khác thông qua ba mẹ.

Ba mẹ cũng có thể giúp con hiểu được cảm xúc của chính mình và bạn bè qua việc đọc truyện, xem sách về chủ đề tình bạn, tâm lý từ đó giúp con có cách hành xử đúng trong những trường hợp gặp mâu thuẫn khi vui chơi.

 

Cách xử lý đúng khi con bị bạn đánh

 

Tăng khả năng vận động, năng khiếu thể thao của trẻ

Nếu trẻ yêu thích thể thao, khỏe mạnh thì thường sẽ có nhiều bạn bè hơn, và những đứa trẻ khác cũng không dám bắt nạt. Ba mẹ có thể trau dồi khả năng vận động, chơi thể thao của trẻ bằng các bộ môn như bóng đá, bóng rổ, võ thuật… Lưu ý, ba mẹ cũng cần phải luôn nhắc nhở trẻ rằng, khỏe mạnh là để bảo vệ bản thân và người khác.

 

Con bị bắt nạt ở trường là điều không phụ huynh nào mong muốn. Nhưng phải làm gì khi con bị bạn đánh để vừa bảo vệ con vừa không dẫn đến những mâu thuẫn to hơn thì không phải ba mẹ nào cũng nắm rõ. Hy vọng với bài viết trên đây, ba mẹ đã biết cách xử lý hiệu quả cho tình trạng này.