Làm cha mẹ

Quiet time và Time-out: Kỷ luật sao cho đúng?

 

Time-outQuiet time là hai phương pháp quản lý hành vi phổ biến được sử dụng cho trẻ em, đặc biệt là trong độ tuổi mầm non và tiểu học. Mặc dù có những điểm tương đồng, hai phương pháp này cũng có những khác biệt quan trọng. Hiểu rõ những điểm khác biệt này sẽ giúp ba mẹ và người chăm sóc áp dụng hiệu quả từng phương pháp cho từng tình huống cụ thể.

 

Quiet time và Time-out là gì?

 

Quiet time và Time-out là những phương pháp xử lý hành vi chống đối của trẻ (mè nheo, đánh người, giành đồ chơi, cáu gắt…) theo cách tích cực.

 

Cả hai phương pháp này đều liên quan đến việc hạn chế sự chú ý của bạn dành cho trẻ trong một khoảng thời gian ngắn, tạm dừng trẻ khỏi hành vi chống đối hiện tại. 

 

Điều này giúp trẻ nhanh chóng nhận ra những hành vi hiện tại của mình là không được chấp nhận khi chúng không nhận được sự chú ý từ bạn. Ngoài ra, Quiet time và Time-out còn cung cấp cho trẻ một môi trường yên tĩnh để con có thể bình tĩnh lại.

 

Sự khác biệt giữa Quiet time và Time-out?

 

Đều làm tạm thời tách trẻ ra khỏi hành vi chống đối nhưng giữa Quiet time và Time-out vẫn có những điểm khác biệt, dẫn đến những hoàn cảnh áp dụng chúng cũng khác nhau.

 

Quiet time

 

Quiet time hay còn gọi là thời gian im lặng, dùng để chỉ việc bạn “tách” trẻ ra khỏi hoạt động gây ra hành vi chống đối nhưng vẫn ở địa điểm ban đầu. Ba mẹ để con ngồi yên, không tham gia hoạt động nữa nhưng vẫn ở ngay bên cạnh chỗ con đang chơi.

 

Ví dụ, đồ chơi bị hỏng và con trở nên tức giận, khóc nháo. Mẹ có thể yêu cầu bé ngưng chơi và đến ngồi bên cạnh mình. Hoặc khi bé gây gổ với bạn ở công viên, bạn có thể yêu cầu con đứng dưới gốc cây vài phút trong khi bạn đứng gần đó. Việc này giúp con tránh xa những hành động, đối tượng mà con có thể gây ra hậu quả bởi hành vi của mình, cho con cơ hội để bình tĩnh lại.

 

Lưu ý, ba mẹ nên cho con biết khoảng thời gian im lặng của con với hành động chống đối này là bao nhiêu, thông báo cho con có thể quay trở lại chơi sau đó đồng thời nói rõ mong muốn của mình về hành vi của con (bảo vệ đồ chơi, chơi hòa đồng với bạn…).

 

quiet-time-va-time-out-ky-luat-sao-cho-dung-1

Tách trẻ ra khỏi hoạt động chống đối nhưng vẫn ở địa điểm ban đầu

 

Time-out

 

Khác với Quiet time, ba mẹ áp dụng Time-out khi con vẫn tiếp diễn hành vi phù hợp sau nhiều lần Quiet time trong cùng 1 buổi chơi hoặc không chịu ngồi yên trong quá trình Quiet time. Ba mẹ yêu cầu trẻ ngừng mọi hoạt động, đưa con đến không gian khác nơi con đang chơi trong vòng vài phút và tạm thời không nhận được sự chú ý của ba mẹ. 

 

Ví dụ, trẻ tiếp tục quấy khóc vì đồ chơi hỏng sau nhiều lần Quiet time, ba mẹ có thể đưa con đến 1 căn phòng trống khác, không có đồ chơi hay trò chơi và đảm bảo có camera để theo dõi sự an toàn của con.

 

Một số lưu ý khi áp dụng Time-out cho trẻ:

  • Không ép buộc trẻ Time-out một cách thô bạo như kéo con, xốc con để lôi đến nơi Time-out.
  • Không áp dụng Time-out với trẻ có hành vi tự hại hay có các vấn đề về tâm thần, trẻ còn quá nhỏ (dưới 3 tuổi), trẻ chưa từng được ba mẹ giới thiệu về Time-out.
  • Không khóa trẻ trong phòng để Time-out vì sẽ khiến hành vi hung hăng của trẻ trở nên gay gắt hơn, làm trẻ sợ hãi, bấn loạn.

 

quiet-time-va-time-out-2

Đưa con ra không gian khác trong vòng vài phút để con bình tĩnh lại

 

Cách thực hiện Quiet time và Time-out

 

Đây là các bước ba mẹ có thể thực hiện khi trẻ có hành vi thể hiện sự chống đối, hung hăng:

 

  • Cho trẻ cơ hội thay đổi hành vi bằng cách đưa ra hướng dẫn rõ ràng, bình tĩnh trước khi áp dụng Time out hay Quiet time.  Ví dụ: "Con đừng ném đồ chơi, hãy đặt chúng xuống sàn nhé."
  • Thực hiện Quiet time hoặc Time-out nếu trẻ vẫn tiếp tục. Ví dụ: "Nếu con vẫn ném đồ chơi như vậy thì bây giờ con cần ngồi phạt Time-out. Con vào phòng ngủ,  ngồi yên lặng trong 3 phút. Khi hết giờ, mẹ sẽ lại với con."
  • Tránh giao tiếp với trẻ trong lúc Quiet time hoặc Time-out. Ví dụ, không nói chuyện hoặc nhìn trẻ.
  • Sau khi trẻ đã yên lặng và bình tĩnh trong thời gian quy định, hãy cho trẻ biết thời gian Quiet time hoặc Time-out đã kết thúc. Nếu trẻ time -out vì không tuân theo hướng dẫn, hãy nhắc lại hướng dẫn sau khi thời gian kết thúc hoặc  hãy chuyển sang hoạt động khác. Ví dụ: "Con muốn chơi gì bây giờ?" Tránh nhắc lại hành vi thách thức của trẻ. Ví dụ, tốt nhất là không nên nói "Không được đánh em gái nữa.”
  • Tìm kiếm cơ hội đầu tiên để khen ngợi trẻ về hành vi bạn muốn khuyến khích. Ví dụ: "Mẹ rất thích cách con chơi đồ chơi nhẹ nhàng như bây giờ. Cảm ơn con vì đã nghe lời mẹ nhé!”

 

Những lưu ý trước khi sử dụng Quiet time và Time-out lần đầu

 

Ba mẹ nên cho con biết điều gì sẽ xảy ra sau Quiet time hoặc Time-out. Tốt nhất nên giải thích vào thời điểm bạn và con bạn đều bình tĩnh và thoải mái:

 

  • Giải thích Quiet time và Time-out là gì, sẽ xảy ra ở đâu và hành vi nào sẽ dẫn đến nó. Ví dụ: “Time-out là khi con ngồi bình tĩnh và im lặng ở phòng ba mẹ trong vòng 3 phút. Đánh người sẽ bị Time-out”
  • Hướng dẫn trẻ cách lấy lại bình tĩnh trong thời gian tạm dừng, chẳng hạn như việc hít thở sâu.
  • Nếu con la hét, đập phá, ba mẹ không nên đáp lại hãy hãy cứ bình tĩnh đếm thời gian khi trẻ bắt đầu im lặng.
  • Nếu con liên tục rời khỏi khu vực Time-out, ba mẹ có thể nhẹ nhàng đưa trẻ trở về khi vực ban đầu. Có thể ngồi yên lặng gần đó để đảm bảo con vẫn trong vùng Time-out.
  • Lập trước các nguyên tắc trong gia đình, từ đó chỉ ra hành vi của con vi phạm điều nào trong bộ quy tắc sẽ hiệu quả hơn việc ba mẹ nói với con rằng con “nghịch ngợm”, “không nghe lời”.
  • Không nuông chiều trong thời gian tạm dừng này. Đây là hình thức kỷ luật khi con làm sai nên ba mẹ cần đảm bảo thời gian Time-out phải thật nhàm chán, không để con nhận được sự chú ý, đồ chơi hay làm điều gì buồn cười để con cảm thấy vui vẻ.

quiet-time-va-time-out-3

Những lưu ý khi sử dụng Quiet time và Time-out cho trẻ

 

Trong quá trình nuôi dạy con cái, việc con có những hành vi chống đối, hung hăng là điều khó tránh khỏi. Hy vọng với phương pháp Quiet time và Time-out mà Umbalena giới thiệu trên đây sẽ giúp ba mẹ kiểm soát được hành vi, cảm xúc của con mà không làm con cảm thấy bị bức bối hay nuông chiều quá mức.