Sáng tạo để trẻ bay bổng cùng con chữ
Sáng tạo để trẻ bay bổng cùng con chữ
(TBKTSG Online) – Vào đầu năm 2020, Umbalena – ứng dụng đọc sách dành cho trẻ từ hai đến sáu tuổi – đã được Công ty TNHH Công nghệ VOOC chính thức trình làng như đáp lại niềm khát khao nuôi dưỡng tình yêu và thói quen đọc sách cho trẻ em Việt Nam trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, giúp chúng dùng Internet một cách lành mạnh và hữu hiệu.
Có thể nói việc tạo và phát triển kho sách điện tử dành riêng cho trẻ em trong độ tuổi từ hai đến sáu tuổi là ước mơ ấp ủ cả đời của cặp vợ chồng 8x – Lê Thị Cẩm Trinh và Nguyễn Việt Thắng – từ những ngày đầu Công ty TNHH Công nghệ VOOC được thành lập. Nên chẳng có gì ngạc nhiên khi Umbalena lại được đặt tên theo câu thần chú quen thuộc trong các câu chuyện thần tiên của tuổi thơ: Úm ba la, bay lên nào và được hai anh chị Trinh - Thắng xem là “đứa con chung thứ 3” của mình bên cạnh hai cô con gái vô cùng xinh xắn.
Hành trình để biến ước mơ thành sự thật của đôi vợ chồng trẻ cũng khá thú vị.
Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin (CNTT) tại Đà Nẵng năm 2008, anh Thắng đã có kinh nghiệm làm việc và đảm nhiệm nhiều vị trí nhà quản lý ở một số công ty CNTT của Hoa Kỳ tại TPHCM và Đà Nẵng. Năm 2013, anh Thắng vào làm việc và phụ trách toàn bộ mảng CNTT và phần mềm cho Helio Center – một khu vui chơi giải trí trong nhà dành cho gia đình và trẻ em lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ. Mối nhân duyên bắt đầu từ đây. Anh gặp gỡ và làm quen với chị Trinh, lúc đó là người phụ trách mảng trợ lý giám đốc dự án và đã làm việc tại Helio từ lúc mới ra trường. Tình yêu đã đơm hoa và một đám cưới ấm cúng đã được tổ chức chỉ chừng một năm sau đó.
Chị Cẩm Trinh sau khi sinh con gái đầu lòng đã quyết định về đầu quân cho Zody – một doanh nghiệp khởi nghiệp về phát triển ứng dụng tích điểm – trước khi chị gia nhập vào đại gia đình Grab. Chị giải thích một phần vì không muốn cả hai vợ chồng cùng làm một công ty, nhưng điều thôi thúc chị mạnh dạn chia tay Helio Center là vì "muốn bước hẳn vào lĩnh vực công nghệ".
Một người vợ mạnh mẽ, một người chồng cũng... mạnh mẽ không kém. Anh Việt Thắng cũng sớm tạm biệt Helio Center và quyết định thử sức mình làm người sáng lập và điều hành. Công ty TNHH VOOC với định hướng chuyên thực hiện các hợp đồng gia công (outsourcing) các sản phẩm công nghệ và cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho các công ty đã ra đời như vậy. Đó là năm 2016.
Đến năm 2018, với mong muốn thực hiện một dự án công nghệ mang dấu ấn riêng của công ty, anh Thắng đã quyết định “lôi kéo” vợ mình về cùng làm chung và cùng phát triển ý tưởng để xây dựng một kho nội dung học tập và giải trí đa dạng trên nền tảng di động với động lực chính là từ con gái mình và dành cho những cô cậu bé như con gái mình.
Chị Cẩm Trinh tâm sự: “Là một người mẹ của hai cô con gái và cũng là một người quan tâm đến các hoạt động giáo dục xã hội, tôi tin rằng việc đọc sách có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của trẻ. Hiện nay, phân khúc truyện dành cho trẻ em vừa thiếu lại vừa không bảo đảm chất lượng, giá bán lại khá cao. Vậy, tại sao chúng tôi không dựa trên nền tảng công nghệ sẵn có để tạo ra kho nội dung đa dạng, chất lượng dành cho trẻ em?"
Và nghĩ là làm, cả hai vợ chồng cùng các cộng sự bắt tay ngay vào việc hiện thực hóa ý tưởng. Anh Thắng lo phần kỹ thuật và thiết kế hệ thống để xây dựng nên bộ khung sườn, nền tảng công nghệ vững chắc cho ứng dụng.
Trong khi đó, chị Trinh phát triển đội ngũ sáng tác để tạo ra kho dữ liệu dồi dào. Muốn thực sự có sản phẩm của chính mình, chị Trinh đã chịu khó học hỏi, tìm đến các chuyên gia, các cố vấn như chị Diêu Lan Phương (Tiến sĩ Văn học trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội; Chủ nhiệm CLB Ngôn ngữ & EQ) và chị Trần Thị Thanh Huyền (Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Steiner – Waldorf Việt Nam; Hiệu trưởng trường mầm non Sunflower Steiner) để nghiên cứu chuyên sâu về quy chuẩn nội dung dành cho trẻ từ hai đến sáu tuổi.
Ngoài nội dung phải bảo đảm về chất lượng phù hợp với khả năng tiếp nhận và phát triển tư duy nơi trẻ em, phần hình ảnh minh họa cũng được VOOC hết sức chú trọng đầu tư và chắt lọc. Dự án đã thu hút sự tham gia của rất nhiều họa sĩ trẻ khắp Việt Nam với sự tư vấn và định hướng mỹ thuật của chị Shira Le, người cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực vẽ minh họa dành cho thiếu nhi.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng dự án, cả hai vợ chồng đã được tiếp thêm sức mạnh và động lực khi hợp tác cùng Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) để kết nối và lan tỏa những giá trị của dự án.
Sau gần hai năm miệt mài triển khai dự án, kho nội dung học tập và giải trí trên nền tảng di động Umbalena đã ra đời vào đầu năm 2020. Theo đó, kho nội dung dành cho trẻ em từ hai đến sáu tuổi được xây dựng theo một hệ thống khoa học, chia thành ba cụm với chín cấp độ đọc, mỗi cấp độ phù hợp với từng lứa tuổi khác nhau và có sự thăng tiến qua từng cấp độ. Hệ thống này được thiết lập dựa trên những nghiên cứu về quá trình phát triển tâm lý học ngôn ngữ của trẻ em Việt Nam.
Mỗi nội dung gồm ba phần: đọc sách, nghe sách và câu hỏi đọc hiểu. Nội dung được thu âm bằng giọng đọc truyền cảm giúp trẻ dễ tiếp thu và học cách phát âm tốt hơn. Phần câu hỏi đọc hiểu ở cuối mỗi câu truyện giúp gợi nhớ về nội dung trẻ đã đọc, tạo sự hứng thú và tăng khả năng tư duy. Tùy theo nội dung mà mỗi cuốn truyện được các họa sĩ minh họa theo nhiều phong cách khác nhau, song tất cả hình ảnh minh họa trong ứng dụng đều rất bắt mắt và thu hút trẻ.
Hiện, ứng dụng Umbalena có khoảng 1.000 nội dung với các chủ đề vô cùng đa dạng, từ những chủ đề gần gũi xung quanh trẻ như gia đình, trường học, bạn bè cho đến các thông tin khoa học về hệ sinh thái, Mặt Trời, Mặt Trăng… Bên cạnh đó, những câu chuyện trong ứng dụng hấp dẫn, mang lại cho bé những bài học đạo đức, giáo dục thú vị mà không hề khô khan, khiên cưỡng.
Anh Thắng tâm sự rằng vợ chồng anh không có tham vọng biến Umbalena thành một ứng dụng hoàn hảo mà chỉ mong ứng dụng này sẽ trở thành một người bạn đồng hành của trẻ và chí ít là giúp ba mẹ chúng có thêm một lựa chọn thay vì chỉ cho con xem các clip hoạt hình suốt cả ngày hay những trò chơi điện tử dễ gây nghiện, dẫn đến các hệ lụy về sức khỏe về thể chất cũng như tinh thần.
“Qua nghiên cứu của chúng tôi, ở độ tuổi này (từ hai đến 6 tuổi), việc xem hoạt hình làm cho bé phải ghi nhớ quá nhiều hình ảnh và dần dần bé chỉ tiếp thu thông tin một cách thụ động”, anh Thắng chia sẻ. Cũng theo anh, vào mỗi buổi tối, phụ huynh chỉ cần dành khoảng 30 phút để cùng con “vọc’ ứng dụng Umbalena. Chỉ qua hai, ba câu chuyện, mỗi câu chuyện với những câu thoại lặp đi lặp lại, hình ảnh vui nhộn sẽ giúp bé hiểu câu chuyện, ghi nhớ từ ngữ, phát triển trí tưởng tượng, đầu óc năng động hơn.
Dự án nào cũng cần tiền để theo đuổi khát vọng của mình. Umbalena cũng vậy. Sau bảy ngày được trải nghiệm miễn phí, các bậc phụ huynh có thể chọn các gói thuê bao ba tháng, một năm hay năm năm với chi phí khoảng 2.000 đồng/ngày.
Khi được hỏi về những điều thú vị trong giai đoạn thử nghiệm Umbalena, cả hai vợ chồng đều háo hức kể lại những ý kiến phản hồi tích cực của khách hàng.
Hai cô con gái chính là “những khách hàng nhí” đầu tiên của anh Thắng, chị Trinh trong giai đoạn thử nghiệm sản phẩm. “Mẹ ơi, đố mẹ chim cánh cụt đẻ con hay đẻ trứng?” hay những lúc bé cứ đọc líu lo bài thơ “Đôi tay bé xinh xinh - Lúc nào mình cần rửa? Trước bữa ăn hằng ngày - Bé cần rửa đôi tay...”. Những lúc đó khiến chị Trinh vô cùng bất ngờ và vui mừng vì thấy Umbalena thực sự hữu ích với trẻ nhỏ. “Giờ đây, Umbalena đã trở thành "người bạn thân" của hai bé nhỏ nhà mình và rất nhiều bạn nhỏ khác vào mỗi tối”, chị Trinh chia sẻ.
Cũng nhờ ứng dụng Umbalena mà một người mẹ Việt sống ở châu Phi đã giải quyết được cơn đau đầu trong suốt năm năm qua – giúp con có hứng thú trong học tiếng Việt. “Lúc đó, tôi rất cảm động vì Umbalena đã giúp được những người Việt sống xa quê hương lưu truyền tiếng mẹ đẻ cho thế hệ sau”, chị Trinh xúc động kể lại.
Cho đến nay, ứng dụng Umbalena đã đã nhận được rất nhiều lời khen và những thông tin phản hồi tích cực từ phía độc giả. Tài khoản Ngocquoc92 đã nhận xét: “Hầu hết các ứng dụng (app) đều hướng các bé đến vui chơi, giải trí thì đây là một trong những app hướng trẻ đến việc học ngôn ngữ, tư duy, kỹ năng và nuôi dưỡng tâm hồn qua sách hay nhất mà mình sử dụng”. Khách hàng Ngọc Viên Nguyễn Hà thì để lại lời bình luận: “Mình rất hay tìm hiểu về sách cũng như các ứng dụng học cho trẻ nhỏ. Khi biết về Umbalena, mình cực kỳ ấn tượng với hình ảnh của các truyện, nhân vật đáng yêu, màu sắc sinh động, đặc biệt vào các dịp lễ luôn có các câu chuyện mới. Thật sự biết ơn đội ngũ đã tạo ra một ứng dụng tâm huyết như thế này”.
Cũng như vợ mình, đôi mắt anh Thắng lấp lánh những niềm vui khi nhắc đến những sự phản hồi của độc giả dành cho dự án Umbalena. Anh tâm sự: “Chính những lời động viên, sự khích lệ đó đã tạo động lực để đội ngũ của chúng tôi cố gắng thêm từng ngày”.
Hiện nay khi “đứa con tinh thần” được hai tháng tuổi, hai vợ chồng lại đang ấp ủ một ước mơ cao hơn. Ứng dụng Umbalena trong tương lai gần sẽ vào các trường mầm non như là một cách giúp trẻ học tập tốt hơn. Umbalena sẽ vào các thư viện sách điện tử ở vùng sâu vùng xa để những trẻ em nghèo tiếp cận được những kiến thức theo cách “tuổi thơ” nhất.
Khi TBKTSG Online trao đổi với các vị đại diện của số trường mầm non cũng như trung tâm phát triển kỹ năng trẻ em về tính khả thi của ứng dụng này thì đã nhận được những phản hồi khá tích cực. "Đây là một sản phẩm tốt và khá hữu ích cho trẻ tập đọc. Tôi sẽ giới thiệu cho các phụ huynh để cùng trải nghiệm với bé khi đi học lại", ông Nguyễn Minh Tuấn, người đại diện trường JCI South Saigon, nói. Dù vậy ông Tuấn chia sẻ thêm rằng, việc đưa app vào trong chương trình giảng dạy của trường lại là một câu chuyện khác, rất cần xem xét thêm vì trường học hiện đang khuyến khích trẻ ít sử dụng công cụ điện tử. "Chúng tôi cũng không gắn ti vi tại lớp và có sẵn sách truyện để bé đọc", ông Tuấn giải thích.
Trong thời gian xa hơn, chị Trinh và anh Thắng không muốn Umbalena chỉ là của riêng mình. Đây là sẽ một hệ sinh thái, nơi các nhà sản xuất nội dung dành cho thiếu nhi Việt Nam gặp nhau, cùng phát triển, phục vụ cho sứ mệnh “Xây dựng một thế hệ Việt Nam ham đọc”.
Hiện tại, Dự án Umbalena đang đưa ra gói đọc miển phí dành cho các bé đến hết mùa dịch. Các bậc phụ huynh chỉ cần tải về ứng dụng Umbalena trên các kho dữ liệu App Store hoặc CH Play, và sau đó đăng ký gói miễn phí tại http://m.me/umbalena
Bài viết gốc từ báo The Sài Gòn Times: Sáng tạo để trẻ bay bổng cùng con chữ
>> Đọc thêm: 15 ứng dụng học tập miễn phí cho bé trong những ngày nghỉ dịch Covid-19