Lời giải sách Khoa học lớp 5 Bài 5 - KNTT
Kết nối tri thức_Khoa học 5_Chủ đề 1_ Bài 5_Sự biến đổi hóa học của chất
Lời giải sách Khoa học lớp 5 Bài 5 : Sự biến đổi hóa học của chất - Kết nối tri thức đầy đủ và chi tiết nhất.
Khởi động (trang 21)
Khoa học 5 bài 5 trang 21 :
Để tạo hương vị cho bánh kẹo như bánh phờ - lăng (flan), người ta thường thêm ca – ra – men. Dù được nấu từ đường có màu trắng và vị ngọt nhưng ca – ra – men lại có màu nâu, vị đắng và ngọt dịu. Vậy biến đổi nào đã xảy ra?
Trả lời:
Biến đổi hoá học của đường đã xảy ra, làm thay đổi màu sắc và hương vị của đường từ màu trắng, vị ngọt sang ca-ra-men có màu nâu, vị đắng và ngọt dịu.
1. Biến đổi hóa học (trang 21, 22)
Khám phá (trang 21)
Câu 1 Khoa học 5 bài 5 trang 21 :
Quan sát hình 2 và nhận xét về màu sắc, hình dạng mẩu giấy trước và sau khi đốt. Từ đó, hãy cho biết có sự biến đổi nào đó đã xảy ra.
Trả lời:
Hình 2 cho thấy mẩu giấy trước khi đốt có màu trắng, có hình dạng xác định, mẩu giấy sau khi đốt có màu đen, không có hình dạng xác định.
Như vậy, đã có sự biến đổi hoá học xảy ra với mẩu giấy khi bị đốt.
Câu 2 Khoa học 5 bài 5 trang 21 :
Thí nghiệm tìm hiểu biến đổi hoá học của đường.
Chuẩn bị: đường trắng, 1 bát sứ chịu nhiệt, 1 kiềng sắt, 1 lưới tản nhiệt, 1 cốc nến, 1 bật lửa.
Tiến hành:
- Cho một ít đường vào bát sứ, đặt bát sứ lên kiềng sắt có lưới tản nhiệt.
- Đốt nến và đun nóng bát sứ đến khi đường chuyển màu (hình 3) thì tắt nến, để nguội.
Nhận xét sự biến đổi màu của đường dưới tác dụng của nhiệt.
Cho biết hiện tượng xảy ra, nếu tiếp tục đun.
Trả lời:
Sự biến đổi màu của đường dưới tác dụng của nhiệt: Đường có màu trắng, ở thể rắn chuyển dần sang chất có màu nâu vàng, ở thể lỏng khi bị tác dụng của nhiệt.
Hiện tượng xảy ra nếu tiếp tục đun là: Đường sẽ chuyển dần sang màu nâu đen rồi màu đen, ở thể lỏng. Nếu để nguội thì chất thu được chuyển sang thể rắn và có vị đắng.
Vận dụng (trang 22)
Câu 1 Khoa học 5 bài 5 trang 22 :
Quan sát hình 4 và cho biết biến đổi nào đã xảy ra. Vì sao?
Trả lời:
Biến đổi hoá học của than đã xảy ra. Vì than đã cháy trong không khí (cụ thể là tác dụng với khí oxygen) tạo khí carbon dioxide, carbon monoxide,…
Câu 2 Khoa học 5 bài 5 trang 22 :
Quan sát hình 5, cho biết trường hợp nào là biến đổi hoá học và giải thích.
Trả lời:
Trường hợp a là biến đổi hoá học. Vì thanh củi có thành phần là hợp chất xelulose đã tác dụng với khí oxygen trong không khí tạo chất khác như carbon dioxide,… nên có thay đổi về màu sắc.
2. Một số ví dụ về biến đổi hóa học trong cuộc sống (trang 23, 24)
Khám phá (trang 23)
Câu 1 Khoa học 5 bài 5 trang 23 :
Quan sát hình 6, đọc thông tin và cho biết:
- Sự thay đổi của đinh sắt sau khi bị gỉ.
- Biến đổi nào đã diễn ra đối với đinh sắt? Giải thích.
Đinh sắt (hình 6a) để lâu ngày ngoài không khí hoặc nơi ẩm ướt sẽ bị gỉ (hình 6b). Lúc này, trên bề mặt đinh sẽ xuất hiện một lớp gỉ màu nâu đỏ. Nếu đinh sắt bị gỉ nặng, sẽ dễ bị gãy và không sử dụng được nữa. Vì vậy, người ta thường sơn hoặc bôi dầu mỡ lên đinh sắt để chống gỉ.
Trả lời:
- Sự thay đổi của đinh sắt sau khi bị gỉ: Trên bề mặt đinh sẽ xuất hiện một lớp gỉ màu nâu đỏ. Nếu đinh sắt bị gỉ nặng, sẽ dễ bị gãy và không sử dụng được nữa.
- Biến đổi hoá học đã xảy ra với đinh sắt. Vì đinh sắt để lâu ngày ngoài không khí hoặc nơi ẩm ướt đã phản ứng với khí oxygen, nước, … tạo gỉ là các hợp chất của sắt.
Câu 2 Khoa học 5 bài 5 trang 23 :
Nêu ví dụ mà em biết về biến đổi hoá học của chất trong đời sống hằng ngày.
Trả lời:
Ví dụ mà em biết về biến đổi hoá học của chất trong đời sống hằng ngày:
- Đốt cháy cồn;
- Hiện tượng cơm bị thiu;
- Đốt cháy khí gas để đun nấu …
Vận dụng (trang 24)
Câu 1 Khoa học 5 bài 5 trang 24 :
Quan sát hình 8 và cho biết biển đổi nào đã xảy ra khi đun đường (hình 8a) thành ca-ra-men (hình 8b). Giải thích.
Trả lời:
Hình 8 cho biết biển đổi trạng thái và biến đổi hoá học đã xảy ra khi đun đường (hình 8a) thành ca-ra-men (hình 8b) vì:
+ Đường đã bị tác dụng của nhiệt chuyển đổi sang ca-ra-men, có sự thay đổi về màu sắc và vị là biến đổi hoá học.
+ Đường chuyển từ thể rắn sang thể lỏng ca-ra-men là biến đổi trạng thái.
Câu 2 Khoa học 5 bài 5 trang 24 :
- Quan sát hình 9 và cho biết cửa sắt bị biến đổi hoá học như thế nào.
- Qua quan sát thực tế, hãy cho biết người ta thường làm gì để ngăn ngừa sự biến đổi hoá học của các vật làm bằng sắt.
Trả lời:
- Hình 9 cho biết cửa sắt bị biến đổi hoá học: Cửa sắt ở ngoài không khí lâu ngày, tiếp xúc với nắng, mưa, gió …nên đã phản ứng với khí oxygen, nước,… có trong không khí tạo lớp gỉ trên cửa.
- Qua quan sát thực tế, để ngăn ngừa sự biến đổi hoá học của các vật làm bằng sắt, người ta thường sơn, bôi dầu mỡ lên các vật làm bằng sắt.