Tin tức & Sự kiện

'ĐỌC VỊ' CON KHI CON CÓ CẢM GIÁC BẤT AN.

'ĐỌC VỊ' CON KHI CON CÓ CẢM GIÁC BẤT AN. 

Hầu hết trẻ em đều bộc lộ ra những nỗi sợ hãi ở một giai đoạn nào đó. Những nỗi sợ hãi thông thường gồm có bóng tối, tiếng ồn lớn, các con thú to lớn, bị lạc, quái vật, ngủ một mình và đi học ở một trường mới. Đôi khi, một số trẻ em còn trở nên hết sức lo lắng rằng mình sẽ xa bố mẹ. 

Hầu như trẻ em gần như không bao giờ nói rằng mình đang lo lắng. Trẻ thể hiện sự lo lắng theo nhiều cách khác nhau. Một trong những biểu hiện thể hiện sự lo lắng ở trẻ em có thể là:

  • Đau bụng

  • Đau đầu

  • Trẻ không muốn đến trường

  • Khóc, lo sợ, giận dữ hay thậm chí run tay chân, tè dầm… 

  • Không tập trung, nhút nhát, thiếu tự tin, sợ hãi khi gặp người lạ.

  • Bị rối loạn giấc ngủ, sợ bóng tối, khó ngủ, hay gặp ác mộng

  • Trẻ thường thấy khó chịu nếu phải tuân theo một lịch trình đã được lập sẵn hoặc chỉ thích làm theo ý mình

  • Thể hiện sự lo lắng hoặc sợ hãi nhưng hơn mức cần thiết so với mọi người

Bố mẹ có thể làm gì để giúp con vượt qua những nỗi “bất an”

1. Khi trẻ tức giận

Khi trẻ tức giận không nên dùng phép răn đe: "Thử làm một lần nữa xem, mẹ/bố sẽ đuổi con ra khỏi cửa". Điều này sẽ trẻ mất cảm giác an toàn và tin tưởng ở bố mẹ. Thay vào đó bố mẹ nên có thái độ thông cảm, vận dụng kỹ năng lắng nghe để chấp nhận cảm xúc của bé. 

Ví dụ, khi gia đình có khách tới chơi, con bạn bị trẻ khác giật đồ chơi, bé sẽ tức giận, muốn đánh "vị khách nhí" kia. Lúc này, là một người mẹ, điều bạn nên nói không phải là đổ lỗi cho con không biết chia sẻ đồ chơi, hoặc mắng con là không ngoan, mà nên chấp nhận cảm xúc tiêu cực của trẻ

Bạn có thể nói với con: "Nếu món đồ mà mẹ thích bị lấy đi, mẹ cũng rất tức giận. Nhưng con cho bạn mượn một chút, rồi bạn sẽ trả lại mà". Bạn cũng có thể thương lượng với bé: "Tại sao các con không chơi chung đồ chơi, chơi cùng nhau sẽ rất vui đấy... ".

2. Khi trẻ sợ hãi

Trẻ có thể sợ chó, sợ bóng đêm, thậm chí sợ những người lạ. Mẹ nên làm gì khi bé sợ hãi? Trước tiên, cần phải cùng trẻ trải nghiệm chính những cảm xúc này, và sau đó tâm sự với bé, ví dụ: "Mẹ biết con sợ, mẹ cũng có những nỗi sợ đấy nhé. Khi chúng mình sợ hãi, mình sẽ muốn trốn trong vòng tay của bố hoặc tìm một nơi an toàn nào đó để lẩn trốn. Tuy nhiên, đôi khi, nỗi sợ là không cần thiết đâu. Ví dụ, con từng rất sợ tới trường mẫu giáo, nhưng khi tới trường, con thấy lớp mẫu giáo rất vui, đúng không nào.... ?".

3. Khi trẻ cảm thấy ghen tị

Mọi đứa trẻ đều có cảm giác ghen tị, đặc biệt khi mẹ quan tâm những đứa trẻ  khác. Thế nên nếu thấy mẹ bế trẻ khác, bé sẽ rất lo lắng và bảo vệ "sự độc quyền yêu thương" bằng cách khóc lóc, thậm chí đánh đứa trẻ kia.

Thay vì mắng bé, bạn nên nhân cơ hội này để nói với con: "Mẹ biết rằng con yêu mẹ, nhưng con thấy đấy, con ngày nào cũng ôm mẹ, nhưng em bé thi thoảng mới được mẹ ôm mà".

4. Khi trẻ cảm thấy có lỗi

Bé vô tình làm vỡ bể cá, khiến con cá chết, điều này khiến con bạn cảm thấy day dứt, có lỗi. Lúc này không nên nói "Không có chuyện gì to tát đâu", hay "Bố mẹ đã đổ lỗi cho con chưa mà con khóc... ".

Điều quan trọng nhất mà mẹ nên làm lúc này là nhận biết cảm xúc "thấy có lỗi" của trẻ, sau đó chia sẻ với con: "Mẹ biết là con cảm thấy mình có lỗi lúc này. Khi mẹ gặp những chuyện như vậy, mẹ cũng như con. Nhưng, sự day dứt không thể thay đổi những việc đã xảy ra. Tốt nhất là nên dọn bể cá vỡ và cá chết, tại sao con không chôn những con cá? Sau đó chúng ta sẽ mua cá mới, và con sẽ chăm cá mới thật cẩn thận được không?".

Những cảm xúc không quan trọng đúng, sai, chỉ là cách biểu đạt có được xã hội chấp nhận. Bố mẹ vì thế nên học cách chấp nhận biểu hiện cảm xúc đa dạng của con, hiểu rằng có thể biến đổi cảm xúc. Cảm xúc tiêu cực có thể trở thành tích cực. Chỉ bằng cách đối mặt với tất cả, sự phát triển của cảm xúc tích cực mới tăng lên. Chỉ trẻ có thể kiểm soát cảm xúc mới trở thành những đứa trẻ thành công.