KHI NÀO ĐỂ CON ĐƯỢC PHÉP BỎ CUỘC
KHI NÀO ĐỂ CON ĐƯỢC PHÉP BỎ CUỘC
Mỗi trẻ em là một sự khác biệt và năng lực, khả năng của con cũng vậy. Cùng với đó sẽ có những bạn nhỏ đương đầu với áp lực, khó khăn tốt hơn nhưng cũng sẽ có những bạn khi đối mặt với kết quả không tốt sẽ có thái độ không được lạc quan cho lắm. Khi ấy con sẽ cần có thêm sự hỗ trợ của người lớn để không cảm thấy sợ hãi, bơ vơ.
NHỮNG DẤU HIỆU ĐÃ ĐẾN LÚC CON CÓ THỂ BỎ CUỘC VÀ CẦN CÓ SỰ GIÚP ĐỠ TỪ BỐ MẸ
1. Khi con đã làm mọi thứ có thể
Chắc hẳn sẽ có nhiều lúc con muốn từ bỏ vì cảm thấy nó đang dần khó khăn với mình, cũng giống như người lớn chúng ta muốn dừng tập thể dục, ăn kiêng mỗi ngày... Tuy nhiên, nếu một đứa trẻ đã cố gắng 100% “công suất” hoặc hơn và dường như vẫn không thể đạt được theo ý mình muốn thì con xứng đáng được tạm dừng và nghỉ ngơi đôi chút.
2. Khi con liên tục thất bại
Liên tục gặp thất bại, không đạt được kết quả như mong đợi trong một hoạt động nào đó có thể chỉ ra rằng con dường như không có khả năng, không có năng khiếu hoặc thậm chí đơn giản là con không muốn làm việc đó. Mỗi nguyên nhân trên đều có thể đủ để con không làm được và bố mẹ nên nhận thấy những dấu hiệu này để con được phép bỏ qua nó.
3. Khi con không đủ khả năng đương đầu được với áp lực
Là người đầu tiên trong lớp giải được bài toán hay nằm trong top những bạn có kết quả chạy tốt nhất... thì ngoài kỹ năng con có được, con cũng cần chịu được áp lực để đạt được những vị trí ấy, trong khi chịu đựng được cường độ áp lực cao thì không phải đứa trẻ nào cũng làm được và người lớn chúng ta cũng vậy.
4. Khi con biểu lộ sự thiếu quan tâm/thờ ơ
Trẻ em không phải lúc nào cũng nói những câu như: “Nhưng con không muốn” hoặc “nhưng con không thích nó” để trốn tránh không phải làm. Đôi khi con thực sự không thích thú với những gì người lớn muốn con làm. Tại sao lại bắt con phải làm những thứ không thích? Vì để con được rằng không phải cái gì cũng theo ý mình? Nhưng cũng có những cách khác để con học điều đó thay vì bắt con phải theo đuổi những cái con không thích.
5. Khi hành động bố mẹ hướng đến lại trái ngược với khả năng của con
Một vài em bé là thiên tài âm nhạc, hội họa, toán học... nhưng không phải em bé nào cũng vậy. Do vậy, nhận ra được năng lực cũng như khả năng tiềm ẩn của con từ giới hạn đến mức độ là điều thực sự quan trọng để không cố gán những gì không phù hợp cho con, vì như vậy nó sẽ không khác gì “bắt một con cá leo cây”.
6. Khi tuổi của con không phù hợp với hoạt động đó
Một số năng lực, khả năng cần có thời gian để phát triển. Vì không phải đứa trẻ nào cũng là thiên tài trong khi một số khác có được những khả năng tuyệt vời là do sự cố gắng liên tục có được. Chẳng hạn như liệu có quá với sớm con khi mình để con đến những lớp học chơi cờ, học đánh đàn…? Khi ấy, mình nên chờ một chút để những hoạt động này phù hợp hơn với độ tuổi của con.
LÀM SAO ĐỂ XÂY DỰNG SỰ TỰ TIN CHO CON SAU KHI CON BỎ CUỘC
Bạn có thể cho phép hoặc khuyên con từ bỏ nếu thấy hoạt động đó không nằm trong sở thích, mối quan tâm lớn nhất của con. Tuy nhiên, con có thể sẽ cảm thấy khó chịu vì có cảm giác thua cuộc, thất bại hay thậm chí là nghĩ bản thân mình kém cỏi. Vậy nên, những gì bạn làm vào thời điểm này sẽ có thể giúp con không bị cảm giác tiêu cực ấy xâm chiếm và vẫn giữ cho mình được sự tự tin vào năng lực của bản thân.
Dưới đây là một số mẹo để tạo dựng lại cho con sự tự tin sau khi con quyết định “từ bỏ cuộc chơi”:
1. Nói với con rằng bạn yêu con! Trẻ con thường tìm kiếm sự công nhận của bố mẹ ở mọi lúc, mọi nơi. Do vậy, khi bạn để con biết rằng bạn vẫn yêu con mặc dù kết quả con làm không được như mong đợi, có thể sẽ là điểm khởi động tích cực để con lấy lại sự tự tin.
2. Khuyến khích con thử những cái khác. Trong khi có vài việc con làm đạt kết quả không được tốt thì cũng có những thứ khác con làm giỏi hơn. Do vậy, mình có thể hướng con đến những hoạt động khiến con cảm thấy vui và đem lại cảm giác tích cực cho bản thân mình.
3. Khen ngợi con nhưng đừng làm quá lên nhé! Trong khi khen ngợi con là một hành động tốt nhưng liên tục nói rằng con thật tuyệt vời vì có thể sẽ phản tác dụng. Với những em bé vừa mới thử sức, việc khen con quá mức có thể khiến con cảm giác mình đã giỏi và giảm sự cố gắng của con. Thêm nữa, khen ngợi không đúng có thể gây hại cho sự tự tin của con hơn là thúc đẩy nó.
4. Nói với con rằng khi mình không làm được ở một việc gì đó thì không có nghĩa là những thứ khác cũng sẽ như vậy. Thực tế là, khi đến thời điểm thích hợp, bạn vẫn có thể khuyến khích con cố gắng thêm lần nữa. Mặc dù dừng lại một chút đôi lúc là quan trọng nhưng không nhất thiết là sẽ mãi như vậy. Vì khả năng, năng lực con có được sẽ thông qua việc liên tục cố gắng.
Là những ông bố, bà mẹ, chúng ta cũng cần nhận ra rằng trẻ em không đơn thuần chỉ là trẻ em, con cũng là con người với những đặc điểm tính cách nhất định và mọi thứ đều đang ở giai đoạn phát triển. Nếu như trước kia con thích đá bóng nhưng hiện giờ con thích nấu nướng hơn, cũng không sao cả. Không phải là con từ bỏ mà con chỉ đưa ra sự lựa chọn và việc của mình là cho con những sự tự do cần thiết để con được học cách tự quyết.
Nguồn: Mầm Nhỏ
Có tham khảo từ nguồn:
https://parenting.firstcry.com/…/when-is-it-okay-to-let-yo…/