Vì sao bố mẹ không nên mua nhiều đồ chơi cho con và đây là lời khuyên của chuyên gia
Vì sao bố mẹ không nên mua nhiều đồ chơi cho con và đây là lời khuyên của chuyên gia
Nhiều bố mẹ luôn muốn dành cho con những gì tốt nhất bằng cách mua thật nhiều đồ chơi cho con để con được vui chơi và phát triển. Tuy nhiên mua cho con nhiều đồ chơi không hẳn là tốt mà thậm chí còn gây hại.
Đứa trẻ nào cũng muốn có đồ chơi. Bố mẹ nào cũng muốn con hạnh phúc. Nhưng không phải vì thế mà con thích gì bố mẹ cũng sẽ mua, có khi ít đồ chơi nhưng chất lượng lại là lựa chọn thích hợp nhất. Nghe thì có vẻ vô lý nhưng sự thật đúng là như vậy khi có quá nhiều đồ chơi có thể làm ảnh hưởng đến giờ chơi chất lượng của trẻ.
Theo tiến sĩ Shelley Lindauer (Đại học Bang Utah, Mỹ) việc có quá nhiều đồ chơi có thể dẫn đến hiện tượng “quá tải đồ chơi”, khiến cho trẻ bị “ngợp” và từ đó bị sao nhãng. Bà cũng cho biết nó còn khiến trẻ không biết học cách quý trọng những đồ vật của mình hay có trách nhiệm để giữ gìn những đồ chơi của chúng.
Mặt khác, những nhà nghiên cứu tại Đại học Toledo, Mỹ đã chỉ ra rằng trẻ sẽ sáng tạo hơn rất nhiều nếu xung quanh chỉ có ít đồ chơi. Họ đã quan sát 36 trẻ chơi trong khoảng thời gian 1 tiếng và phát hiện thấy rằng những trẻ chơi với ít đồ chơi hơn tập trung và sáng tạo hơn khi chơi.
Thật ra, cho ít đồ để chơi hơn sẽ khuyến khích trẻ phải nghĩ ra nhiều cách trải nghiệm khác nhau của từng loại đồ chơi và chúng cũng sẽ chơi từng loại đồ chơi trong thời gian lâu hơn. Những đặc điểm này là vô cùng quan trọng đối với trẻ bởi chúng có thể giúp đẩy nhanh phát triển và luyện tập trí não.
Bên cạnh đó, trong khi hầu hết các bậc phụ huynh ngày nay chất đầy đồ chơi trong phòng của con, những ông bố bà mẹ khôn ngoan lại ý thức giới hạn số lượng đồ chơi mà trẻ có. Họ hiểu rằng việc có ít đồ chơi hơn thật ra sẽ có ích cho trẻ về lâu dài, cụ thể:
Trẻ hình thành các kỹ năng xã hội tốt hơn
Những đứa trẻ có ít đồ chơi hơn học được cách phát triển các mối quan hệ với những đứa trẻ khác và với người lớn. Trẻ học được cách lắng nghe - nói chuyện trong một cuộc đối thoại. Và các nghiên cứu cho rằng tình bạn thời thơ ấu có thể giúp trẻ dễ thành công hơn trong học tập và trong các tình huống xã hội ở quá trình trưởng thành.
Trẻ chú ý lâu hơn
Khi tiếp xúc với quá nhiều đồ chơi, khoảng thời gian chú ý của trẻ bắt đầu bị ảnh hưởng. Một đứa trẻ sẽ hiếm khi học được cách trân trọng hoàn toàn món đồ chơi trước mặt mình khi có vô số lựa chọn nằm trên chiếc kệ sau lưng.
Trẻ học được sự bền bỉ
Những đứa trẻ có quá nhiều đồ chơi sẽ nhanh chóng bỏ cuộc. Nếu có món đồ chơi nào đó khó sử dụng, trẻ sẽ nhanh chóng vứt nó đi để tìm một món đồ chơi khác dễ sử dụng hơn. Những đứa trẻ có ít đồ chơi hơn học được sự bền bỉ, kiên nhẫn và quyết tâm.
Trẻ học được cách sáng tạo
Việc có quá nhiều đồ chơi sẽ ngăn trẻ phát triển tối đa khả năng tưởng tượng. Hai nhân viên y tế công cộng người Đức là Strick và Schubert đã tiến hành một thí nghiệm, trong đó họ thuyết phục một lớp học mẫu giáo đem cất tất cả các món đồ chơi trong vòng 3 tháng. Mặc dù thấy buồn chán trong các giai đoạn đầu của thí nghiệm, bọn trẻ nhanh chóng bắt đầu tận dụng những thứ có sẵn để tạo ra các trò chơi và vận dụng trí tưởng tượng vào việc chơi đùa.
Vậy bố mẹ nên xử lý thế nào nếu con có quá nhiều đồ chơi?
Sẽ rất khó để bố mẹ có thể ngăn cản việc trẻ có nhiều đồ chơi, đặc biệt là khi con lại thường hay được nhận quà từ mọi người. Nhưng may mắn thay, có khá là nhiều cách để bố mẹ có thể đối phó với vấn đề này:
Bạn không cần lúc nào cũng phải mua đồ chơi cho con: Điều này đặc biệt đúng đối với trẻ nhỏ bởi thật ra, hầu như chúng thường hứng thú hơn với những đồ vật kì lạ như những chiếc hộp hay những tờ giấy gói quà nhiều màu sắc hơn là đồ chơi thật.
Nếu bạn có mua thì hãy làm món đồ chơi đó thật độc đáo và đặc biệt. Hãy kĩ lưỡng chọn một món quà “hoàn hảo” để con sẽ phải cực kì trân trọng và yêu thích món đồ đó, từ đó con sẽ không đòi mua thêm nữa vì chúng đã thõa mãn với cái chúng có rồi.
Đừng để con chơi với tất cả cá đồ chơi cùng một lúc: Nếu con bạn có nhiều đồ chơi, sao bạn không thử xoay vòng mỗi ngày và cho con một sự lựa chọn đa dạng những đồ chơi để chơi mỗi ngày? Với cách này, con vừa có thể chơi hết với những đồ chơi của con, nhưng cũng không bị quá tải và không biết chọn chơi gì.
Dạy con cách chia sẻ bằng cách tặng đồ chơi: Chắc chắn trẻ sẽ không thích ý tưởng phải cho đi đồ chơi của bản thân một tí nào, những việc bố mẹ biết khuyến khích con phải trở nên hào phóng và tốt bụng với người khác, với bạn bè là vô cùng quan trọng.
Đồ chơi không chỉ là vật để chơi mà còn giúp hình thành nền tảng cho tương lai của trẻ. Nó dạy trẻ biết về thế giới xung quanh và về bản thân mình, đồng thời truyền tải các thông điệp và giá trị tinh thần. Và vì thế, những bậc cha mẹ khôn ngoan trườc khi mua thường suy nghĩ về việc món đồ chơi mà họ đưa cho trẻ sẽ giúp trẻ hình thành những nền tảng nào. Nhưng trước nhất hãy cứ giúp đỡ bọn trẻ bằng cách giảm bớt số lượng đồ chơi nhé.
Theo Thethaovanhoa
>>> Đọc thêm: TOP tài nguyên giáo dục siêu hay & miễn phí dành cho trẻ em 1-18+ tuổi (phần 1)