Vì sao con bạn nhanh chán đồ chơi, vô cảm với sự biết ơn?
Vì sao con bạn nhanh chán đồ chơi, vô cảm với sự biết ơn?
Tôi đi nhiều nước, làm nhiều chương trình hỗ trợ trẻ khó khăn nên ngộ ra nhiều điều.
Có hai cậu bé ngày nào cũng đi bán vé số ở tiệm cà phê đó. Anh chủ quán thương tình, có khi cho ăn, có khi chỉ dạy cư xử. Một hôm, anh chủ quán nằm viện, hai bé tới, tự động xếp bàn, thu ly, lau bàn... phụ bạn gái anh ấy, không cần chị ấy nhờ.
Một chuyện khác, anh bạn tôi chở đi khám và mua tặng cặp kính cận cho một cậu bé trong lớp tình thương anh ấy dạy. Cậu bị cận nên không thấy chữ trên bảng, suốt thời gian dài, thầy cô nào cũng nghĩ nó có vấn đề trí tuệ. Ở tiệm mắt kính, mua xong kính, đeo vô, cậu bé rưng rưng, nắm tay, nhìn vào mắt anh ấy nói rành rọt: “cảm ơn chú!”.
Quan trọng hơn, qua ngày hôm sau, cậu thành người hoàn toàn khác trong lớp: viết bài, giơ tay phát biểu sôi nổi. Nó biết học tốt, học ngoan mới là cách cảm ơn tốt nhất!
Hôm qua, tôi nói chuyện với một cô bé đang theo lớp tình thương tôi hỗ trợ. Cô bé nay lên lớp 6, chuyển qua học bổ túc ở trường ngoài vì lớp tình thương tới lớp 5 là hết.
Thế nhưng ngày ngày cô bé vẫn tới lớp tình thương.
Tôi hỏi:
- Con tới lớp chi vậy?
- Con tới học lại lớp 5 cho chắc, hỏi bài các cô với lại phụ các cô coi lớp, giúp các em nhỏ hơn nữa.
- Con đi học cấp 2, khó khăn gì thì nói cô để cô coi có cách gì giúp không.
- Dạ, con cảm ơn cô!
Nói năng với tôi, cô bé dạ thưa đầy đủ, không thiếu chủ ngữ bao giờ, biết cảm ơn khi được thăm hỏi, đề nghị giúp đỡ.
Tôi tự thắc mắc, những đứa trẻ này hầu như sinh ra trong gia đình thiếu hụt về tác động giáo dục tích cực, chỉ đi học lớp tình thương 2 giờ/ngày, chủ yếu học toán và tiếng Việt, không có thời gian để các cô dạy đạo đức, kỹ năng sống hay phép tắc ứng xử, vậy tại sao chúng biết cách thể hiện lòng biết ơn ?
Ngẫm lại những đứa trẻ nhà mình, chúng tôi dạy thật kỹ lưỡng về việc nói lời cảm ơn. Tuy nhiên, hầu hết các tình huống, trẻ phải đợi nhắc mới cảm ơn, hoặc có nói thì sâu thẳm cũng không thực sự trân trọng món quà hay sự giúp đỡ đó.
Cháu trai tôi (lúc đó 6 tuổi) rất thích chơi con quay yoyo, sau nhiều lần mua yoyo rẻ tiền, tôi thấy mau hỏng nên quyết định mua một yoyo thật tốt, đắt tiền. Khi đưa cho cháu, tôi nói kỹ: “dì phải đi tìm ở một cửa hàng rất xa trên thành phố và con quay này cũng rất đắt, dì đi làm khá vất vả mới đủ tiền mua cho con, con hãy chơi vui và giữ thật cẩn thận nhé!”.
Cháu nhảy lên vui mừng rồi cũng cám ơn dì. Chưa được 2 ngày sau, cháu đã tìm đến tôi đòi mua con khác vì không tìm thấy con yoyo đắt tiền ở đâu.
Tôi yêu cầu cháu tìm thật kỹ thì cháu trả lời qua quýt: “con tìm rồi, không thấy”. Khi đích thân tôi đi tìm thì thấy yoyo ngay dưới gầm ghế. Tôi nhận ra rằng cháu không thực sự quý trọng món quà, không hiểu được rằng dì đã vất vả mới mua được, cháu chỉ biết nói mất, sẽ được mua cái khác.
Sau này khi tìm hiểu kinh nghiệm dạy trẻ của các bà mẹ nước ngoài, họ cũng nhận định ‘the more we give kids, the less they appreciate it’ (chúng ta càng cho trẻ nhiều thì trẻ càng ít trân trọng).
Vì vậy, nếu thoả mãn nhu cầu của trẻ một cách quá dễ dàng thì chúng ta đang tự làm khó chính mình trong việc dạy cho trẻ về lòng biết ơn. Đối chiếu những tình huống của trẻ đường phố, trẻ lớp tình thương với những đứa trẻ nhà mình, tôi thấy đúng.
Những đứa trẻ ở hoàn cảnh bất lợi kia luôn phải nỗ lực tự sinh tồn, ít nhận được sự giúp đỡ lẫn tình thương nên khi nhận được, chúng rất quý trọng. Những đứa trẻ ở nhà có khi chưa đòi hỏi, chúng đã được trao nhiều hơn mức cần thiết cả về vật chất lẫn tinh thần nên có khuynh hướng xem điều tốt được nhận là đương nhiên.
Bài học được rút ra ở đây chính là thoả mãn nhu cầu một cách hợp lý của trẻ, sẵn sàng nói ‘không’ khi trẻ đòi hỏi quá mức. Ví dụ, đi ngang cửa hàng đồ chơi, trẻ nằng nặc đòi mua một chiếc xe trong khi ở nhà đã có rất nhiều thì cha mẹ nên từ chối.
Nếu cha mẹ hứa thưởng cho con một món đồ, khi đến cửa hàng thì trẻ chỉ được chọn đúng một món, không thể mè nheo thêm thứ khác. Trẻ cần học cả tính tự lập và chỉ nhận sự giúp đỡ của cha mẹ khi thực sự cần thiết.
Chẳng hạn, trẻ phải tự chơi một mình khi cha mẹ bận rộn thay vì luôn khóc lóc đòi cha mẹ phải kè kè bên cạnh. Nếu bình nước vừa tầm tay và trẻ tự lấy được thì khi trẻ khát, trẻ cần tự lấy thay vì nhờ vả cha mẹ lấy giúp.
Điều cuối cùng là trẻ phải được học cách thể hiện sự biết ơn bằng hành động như được tặng đồ chơi thì phải giữ cẩn thận (làm hỏng hay mất thì cha mẹ đừng mua lại ngay món khác), giúp đỡ lại cha mẹ hay người khác theo khả năng của mình (cha mẹ nấu ăn thì con có thể lấy nước mời, lấy khăn lau cho cha mẹ), chia sẻ điều tốt hay may mắn mà mình có được với người khác (cho bạn chơi đồ chơi cùng, chia đồ ăn với bạn, đem tặng đồ chơi, đồ dùng đã qua sử dụng cho trẻ khó khăn)…
Không ai sinh ra là đã biết thể hiện lòng biết ơn với những điều tốt nhận được. Biết ơn là một giá trị được học hỏi dần qua thời gian.
Nguồn: thanhnien.vn
>>> Đọc thêm: Khi con cô đơn bố mẹ có thể làm gì? Gợi ý 3 cuốn sách có sức mạnh vỗ về và an ủi con khi cô đơn “ghé thăm”