- Tiếng Việt
- Lớp 4
- Kết nối tri thức
Giải Sách Tiếng Việt lớp 4 tập 1 trang 51, 52, 53, 54 Bài 12 - KNTT
Kết nối tri thức_Tiếng Việt 4_Tập 1_Bài 12_Nhà phát minh 6 tuổi
Giải SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 trang 51, 52, 53, 54 Bài 12: Nhà phát minh 6 tuổi đầy đủ các phần Đọc, Viết, Luyện từ và câu, Nói và nghe, Đọc mở rộng… cho học sinh học tốt môn Tiếng Việt lớp 4.
Đọc
Chia sẻ với bạn câu chuyện về thời niên thiếu của một nhà bác học mà em đã được đọc hoặc được nghe kể.
Trả lời:
Albert Einstein (1879 - 1955) là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất của nhân loại, người khai sinh ra “Thuyết tương đối”. Ông cùng với Newton chính là 2 tri thức lỗi lạc quyết định đến sự phát triển của lý thuyết vật lý hiện đại.
Thế nhưng khi còn nhỏ, Einstein không hề có biểu hiện gì nổi trội, thậm chí là phát triển trí tuệ rất chậm. Năm 4 tuổi, ông vẫn chưa biết nói, cha của Einstein đã tìm mọi cách để giúp con mình phát triển như những đứa trẻ khác.
Trong thời gian đi học, sức học của Einstein rất kém, đuối hơn nhiều so với các bạn bè khác. Thầy Hiệu trưởng trường Einstein theo học cũng quả quyết với cha cậu rằng “thằng bé này mai sau lớn lên sẽ chẳng làm được gì đâu”.
Những lời giễu cợt và sự trêu đùa ác ý của mọi người xung quanh khiến cho cậu bé Einstein rất buồn tủi. Cậu trở nên sợ phải đến trường, sợ phải đối mặt với các thầy cô và bạn bè. Cậu cũng cho rằng mình đúng là đứa trẻ ngốc nghếch thật sự.
Thế nhưng nhờ sự động viên rất lớn của mẹ - một người phụ nữ thông minh, xinh đẹp và có học vấn cao, trí tuệ Einstein phát triển nhanh chóng, cậu bé còn dần khắc phục được tính tự ti và trở nên lạc quan, vui vẻ.
Einstein rất hay nêu ra những câu hỏi lạ lùng, thậm chí có phần quái dị, chẳng hạn như: Tại sao kim nam châm lại chỉ về hướng Nam? Thời gian là gì? Không gian là gì?... Mọi người đều cho rằng cậu bé này là người đầu óc có vấn đề.
Nhưng họ không ngờ rằng, chính những câu hỏi có vấn đề ấy của cậu bé đã giúp Einstein có được thành công sau này.
Bài đọc
Bài 1 SGK Tiếng Việt lớp 4 trang 52 tập 1:
Điều lạ mà cô bé Ma-ri-a quan sát được khi gia nhân bưng trà lên là gì?
Trả lời:
Điều lạ mà cô bé Ma-ri-a quan sát được khi gia nhân bưng trà lên là: Mỗi lần gia nhân bưng trà lên, tách đựng trà thoạt đầu trượt trong đĩa. Nhưng khi nước trà rót ra đĩa thì những tách trà kia bỗng nhiên dừng chuyển động, cứ như bị cái gì đó ngăn lại.
Bài 2 SGK Tiếng Việt lớp 4 trang 52 tập 1:
Tìm trong bài đọc các thông tin về việc làm thí nghiệm của Ma-ri-a.
Trả lời:
- Địa điểm thí nghiệm: bếp
- Dụng cụ thí nghiệm: một bộ đồ trà
- Mục đích làm thí nghiệm: để giải thích vì sao khi nước trà rót ra đĩa thì những tách trà kia bỗng nhiên dừng chuyển động, cứ như bị cái gì đó ngăn lại.
Bài 3 SGK Tiếng Việt lớp 4 trang 52 tập 1:
Câu trả lời Ma-ri-a tìm được sau khi làm thí nghiệm là gì?
Trả lời:
Câu trả lời Ma-ri-a tìm được sau khi làm thí nghiệm là khi giữa tách trà và đĩa có một chút nước thì tách trà sẽ đứng yên.
Bài 4 SGK Tiếng Việt lớp 4 trang 52 tập 1:
Câu nói của người cha: “Đây sẽ là giáo sư đời thứ bảy của gia tộc tôi!” thể hiện điều gì?
Trả lời:
Câu nói của người cha: “Đây sẽ là giáo sư đời thứ bảy của gia tộc tôi!” là một lời khen dành cho Ma-ri-a, công nhận và khích lệ Ma-ri-a thực sự là cô bé tài năng, thông minh thiên bẩm và rất tinh tường khi phát hiện ra những hiện tượng vật lí xung quanh mình.
Bài 5 SGK Tiếng Việt lớp 4 trang 52 tập 1:
Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Ma-ri-a.
Trả lời:
Nhân vật Ma-ri-a là một cô bé rất thông minh và tinh tường khi có thể hiểu và tự mình làm một thí nghiệm khi mới 6 tuổi. Cô có lòng ham học hỏi, mong muốn khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống. Chính vì vậy mà sau này Ma-ri-a trở thành giáo sư của nhiều trường đại học và là người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel.
Luyện tập
Bài 1 SGK Tiếng Việt lớp 4 trang 52 tập 1:
Tìm trong bài đọc Nhà phát minh 6 tuổi những từ có chứa tiếng "gia", nêu nghĩa của những từ đó.
Trả lời:
- Gia đình: là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và/hoặc quan hệ giáo dục.
- Gia nhân: người làm việc vặt trong gia đình dưới chế độ cũ.
- Gia tộc: tập hợp gồm nhiều gia đình có cùng huyết thống
Bài 2 SGK Tiếng Việt lớp 4 trang 52 tập 1:
Chuyển câu sử dụng dấu ngoặc kép sau đây thành câu sử dụng dấu gạch ngang.
Trả lời:
Ông nâng bổng cô con gái nhỏ lên vai, đi thẳng ra phòng khách, hân hoan nói: “Đây sẽ là giáo sư đời thứ bảy của gia tộc tôi!”.
Ông nâng bổng cô con gái nhỏ lên vai, đi thẳng ra phòng khách và hân hoan nói:
- Đây sẽ là giáo sư đời thứ bảy của gia tộc tôi!.
Viết
Bài 1 SGK Tiếng Việt lớp 4 trang 52 tập 1:
Đọc bài văn dưới đây và thực hiện yêu cầu.
- Tìm phần mở bài, thân bài, kết bài của bài văn trên và nêu nội dung chính của mỗi phần.
b.Dựa vào câu chuyện được kể trong phần thân bài, nói tiếp diễn biến của các sự việc dưới đây:
c.Trong bài văn, câu chuyện được kể lại theo cách nào?
d.Những từ được in đậm trong bài văn có tác dụng gì?
Trả lời:
a.- Mở bài: Em được mẹ tặng cuốn sách có nhan đề "100 câu chuyện cổ tích hay nhất thế giới". Đối với em, thú vị nhất trong cuốn sách là câu chuyện "Cô bé Lọ Lem".
=> Nội dung chính: Giới thiệu câu chuyện mà tác giả yêu thích nhất.
- Thân bài: Chuyện kể rằng,... hạnh phúc đến cuối đời.
=> Nội dung chính: Thuật lại nội dung câu chuyện.
- Kết bài: Em rất thích câu chuyện này vì cái kết thật có hậu. "Cô bé Lọ Lem" xứng đáng là một trong những câu chuyện cổ tích hay nhất thế giới.
=> Nội dung chính: Nêu cảm xúc, suy nghĩ về câu chuyện.
- Sự việc 1:
+ Bối cảnh: Khi mẹ Lọ Lem mất.
+ Diễn biến: Bố Lọ Lem lấy vợ mới. Người vợ mới có hai cô con riêng.
- Sự việc 2:
+ Bối cảnh: Khi bố Lọ Lem qua đời.
+ Diễn biến: Cuộc sống của cô càng khổ cực.
- Sự việc 3:
+ Bối cảnh: Khi vua tổ chức vũ hội.
+ Diễn biến: Mẹ kế và hai cô con gái đi dự hội, bắt Lọ Lem ở nhà nhặt đậu lẫn trong đống tro. Lọ Lem khóc nức nở.
- Sự việc 4:
+ Bối cảnh: Khi Lọ Lem khóc vì không được đi dự vũ hội.
+ Diễn biến: Một bà tiên xuất hiện giúp cô nhặt đậu, hoá phép cho cô váy dạ hội và đôi giày thuỷ tinh tuyệt đẹp. Bà còn biến quả bí ngô thành cỗ xe ngựa đưa Lọ Lem đi dự hội. Bà dặn Lọ Lem phải về trước 12 giờ đêm, nếu không mọi phép thuật sẽ tan biến.
- Sự việc 5:
+ Bối cảnh: Khi Lọ Lem đi dự vũ hội.
+ Diễn biến: Lọ Lem xinh đẹp đến mức hoàng tử chỉ khiêu vũ với mình cô. Đến 12 giờ, vì vội ra về, Lọ Lem làm rơi một chiếc giày.
- Sự việc 6:
+ Bối cảnh: Khi hoàng tử sai người đi tìm chủ nhân của chiếc giày.
+ Diễn biến: Hai cô chị cũng ướm thử giày nhưng không vừa. Tới lượt Lọ Lem thì vừa như in. Hoàng tử vui mừng đón cô về cung. Từ đó, họ sống bên nhau hạnh phúc đến cuối đời.
- Trong bài văn, câu chuyện được kể lại theo sự việc diễn ra trong câu chuyện.
- Những từ được in đậm trong bài văn có tác dụng liên kết chặt chẽ mạch viết của bài văn.
Bài 2 SGK Tiếng Việt lớp 4 trang 54 tập 1:
Trao đổi những điểm cần lưu ý khi viết bài văn kể lại một câu chuyện.
- Bố cục của bài văn.
- Trình tự của các sự việc.
- Từ ngữ dẫn dắt và kết nối các sự việc.
Trả lời:
- Bố cục của bài văn: có 3 phần
+ Mở bài: Giới thiệu về câu chuyện (tên câu chuyện, lí do biết câu chuyện hoặc nêu ấn tượng về câu chuyện,...).
+ Thân bài: Kể lại câu chuyện theo trình tự diễn ra các sự việc (chú ý sử dụng từ ngữ kết nối các sự việc).
+ Kết bài: Nêu suy nghĩ, cảm xúc về câu chuyện, mong muốn sau khi đọc câu chuyện hoặc bài học rút ra từ câu chuyện.
- Trình tự của các sự việc: Trình bày và sắp xếp các sự việc theo trình tự hợp lý.
+ Bản chất của bài văn kể lại một câu chuyện là chuỗi các sự kiện diễn ra liên tiếp, nối kết nhau. Bởi lẽ đó, câu chuyện nên được thể hiện theo một trình tự hợp lý, mạch lạc.
+ Dù cốt truyện phức tạp hay đơn giản thì vẫn phải đảm bảo về mặt ý nghĩa và được đặt trong bối cảnh thời gian, không gian cụ thể, có nguyên nhân, diễn biến và kết quả rõ ràng.
- Từ ngữ dẫn dắt và kết nối các sự việc: Chọn lọc từ ngữ phong phú, phù hợp với ngữ cảnh câu chuyện và các từ ngữ dẫn dắt phù hợp.
Ghi nhớ
Bài văn kể lại một câu chuyện thường gồm 3 phần:
– Mở bài: Giới thiệu về câu chuyện (tên câu chuyện, lí do biết câu chuyện hoặc nêu ấn tượng về câu chuyện,...).
– Thân bài: Kể lại câu chuyện theo trình tự diễn ra các sự việc (chú ý sử dụng từ ngữ kết nối các sự việc).
– Kết bài: Nêu suy nghĩ, cảm xúc về câu chuyện, mong muốn sau khi đọc câu chuyện hoặc bài học rút ra từ câu chuyện.
Đọc mở rộng
Bài 1 SGK Tiếng Việt lớp 4 trang 54 tập 1:
Đọc bài thơ, bài văn viết về trải nghiệm trong cuộc sống.
Trả lời:
Bài thơ tham khảo:
Bài thơ Về quê
Nghỉ hè bé lại thăm quê
Được đi lên rẫy, được về tắm sông
Thăm bà, rồi lại thăm ông
Thả diều, câu cá… sướng không chi bằng
Đêm về ngồi ngắm ông trăng
Nghe ông kể chuyện chị Hằng ngày xưa
Bà rang đậu lạc thơm chưa
Mời ông bà, bé say sưa chuyện trò.
Bài 2 SGK Tiếng Việt lớp 4 trang 54 tập 1:
Viết phiếu đọc sách theo mẫu.
Trả lời:
PHIẾU ĐỌC SÁCH
Tên bài thơ, bài văn: Về quê
Tác giả: Nguyễn Lãm Thắng
Ngày đọc: 03/12/2023
Trải nghiệm trong cuộc sống được nhắc đến: được về quê chơi
Suy nghĩ của em về trải nghiệm: đó là một trải nghiệm rất nhiều kỉ niệm, đáng giá và vui vẻ
Em đã có trải nghiệm này chưa? Cùng với ai?: Em đã có trải nghiệm này rồi. Em được về quê cùng gia đình.
Mức độ yêu thích: 5 sao
Bài 3 SGK Tiếng Việt lớp 4 trang 54 tập 1:
Trao đổi với bạn về một trải nghiệm thú vị của em cùng người thân.
Trả lời:
Trải nghiệm sẽ đem đến cho con người nhiều điều giá trị trong cuộc sống. Và em cũng có được rất nhiều trải nghiệm như vậy.
Tết đến là dịp để mỗi người có thời gian sum vầy bên gia đình. Năm nay, gia đình em sẽ về quê ngoại để ăn Tết. Mọi năm, gia đình em thường ăn Tết ở quê nội - trên thành phố. Nhưng năm nay, em đã được trải nghiệm không khí Tết ở một vùng nông thôn. Em cảm thấy rất tuyệt vời và thú vị.
Những ngày giáp Tết, quê hương của em như được khoác lên mình một chiếc áo mới. Các con đường trong thôn được trang trí cờ hoa rực rỡ. Xe cộ đi lại đông đúc, tấp nập hơn những ngày bình thường. Lần đầu tiên, em được theo mẹ đi chợ Tết. Khu chợ nào cũng đông đúc, nhộn nhịp. Các mặt hàng như thịt cá, rau củ, bánh kẹo… được bày bán rất nhiều. Người mua, người bán rộn ràng không kém với thành phố. Không khí vui tươi khiến em cảm thấy thật háo hức, rộn ràng.
Hai mươi tám Tết, mọi người trong gia đình cùng nhau gói bánh chưng. Mẹ đã đi chợ mua sẵn các nguyên liệu gồm lá dong, lạt mềm, gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ. Lần đầu tiên trong đời, em được xem và gói bánh chưng. Mọi người trong gia đình vừa gói bánh, vừa trò chuyện thật vui vẻ. Công đoạn gói quả thật khó khăn. Ông ngoại vừa gói bánh, vừa hướng dẫn em từng bước một. Sau khoảng ba mươi phút, em đã hoàn thành. Chiếc bánh chưng dù còn chưa được đẹp đẽ, nhưng em cảm thấy rất vui. Sau hơn hai tiếng đồng hồ, công việc gói bánh đã xong xuôi.
Bố chuẩn bị một chiếc nồi thật to, rồi cho từng chiếc bánh vào. Sau đó, bố còn đổ nước vào để luộc bánh. Chiếc bánh của em cũng được cho vào luộc. Bố nói rằng phải mất hơn một ngày bánh mới chín. Em cùng chị gái háo hức ngồi canh nồi bánh chưng. Giữa tiết trời se lạnh, ngồi bên bếp lửa hồng, em cảm thấy vô cùng ấm cúng và hạnh phúc.
Đêm giao thừa, cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm Tất niên. Những món ăn truyền thống của dân tộc được bà và mẹ chuẩn bị vô cùng công phu. Mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện vui vẻ. Không khí thật ấm cúng, thiêng liêng. Khoảnh khắc năm mới đang đến rất gần rồi.
Một trải nghiệm đáng nhớ, khiến em thêm yêu quê hương của mình. Không chỉ vậy, em cũng thêm trân trọng những nét đẹp truyền thống của đất nước nhiều hơn.
Vận dụng
Sưu tầm thêm những câu chuyện về các thần đồng hoặc nhà bác học nổi tiếng trên thế giới và ở Việt Nam. (Truyện kể Thần đồng Việt Nam, Thần đồng âm nhạc Mô-da,...)
Trả lời:
Bài tham khảo:
Thần đồng âm nhạc Mô-da
Một buổi sáng trước khi đi làm, ông Lê-ô-pôn gọi Mô-da đến và trao cho cậu một bản nhạc. Ông muốn con trai mang bản nhạc tới nhà ông chủ rạp hát, đó là món quà của ông Lê-ô-pôn tặng con gái ông chủ rạp hát nhân dịp sinh nhật cô bé.
Mô-da hiếm khi được ra khỏi nhà một mình, mọi cảnh vật trên đường đều rất mới lạ với cậu bé. Trên đường tới nhà ông chủ rạp hát phải qua dòng kênh nhỏ, Mô-da dừng lại trên thành cầu và ngắm nhìn không chán mắt cảnh những chiếc thuyền trôi dưới dòng kênh. Bỗng làn gió mạnh thổi tới, bản nhạc rời khỏi tay Mô-da và bay nhanh xuống dòng kênh.
Mô-da buồn bã quay về nhà, cậu chưa biết sẽ nói gì với cha về chuyện vừa xảy ra. Ông Lê-ô-pôn đi làm chưa về. Mô-da ngồi vào đàn và chơi những khúc nhạc ngắn, trong đầu cậu chợt lóe lên một suy nghĩ. Mô-da liền sáng tác một bản nhạc và mang nó đến nhà ông chủ rạp hát, thay cho bản nhạc đã rơi xuống dòng nước.
Hôm sau, ông Lê-ô-pôn tới chơi nhà ông chủ rạp. Trước khách mời, ông này tươi cười nói với ông Lê-ô-pôn:
- Bản nhạc của bác hay tuyệt. Bác có muốn nghe lại không?
Lê-ô-pôn nhã nhặn cảm ơn. Con gái ông chủ rạp đàn những nốt nhạc đầu tiên. Ông Lê-ô-pôn thoáng giật mình vì thấy đó không phải là khúc nhạc của mình. Ông tiến lại gần cây đàn và nhìn vào bản nhạc. Quả thật như vậy, đó không phải là bản nhạc của ông sáng tác, ông nhận ra những nốt nhạc được viết bởi cậu con trai mình.
Bản nhạc kết thúc, những tiếng vỗ tay vang lên. Ông chủ rạp hồ hởi nói:
- Đó là một khúc nhạc thật trong sáng và đáng yêu. Tôi và con gái rất hài lòng khi nhận được món quà này của bác.
Khi về tới nhà, ông Lê-ô-pôn gọi Mô-da tới và hỏi xem chuyện gì đã xảy ra. Cậu bé kể lại câu chuyện về bản nhạc rơi xuống dòng nước. Ông Lê-ô-pôn không mắng cậu bé, ông chỉ xoa đầu con trai và nói:
- Con đã viết được khúc nhạc thật hay, cha tự hào vì điều đó. Cha tin sau này con sẽ trở thành một nhạc sĩ lớn.
Lời tiên đoán của ông Lê-ô-pôn đã sớm trở thành sự thật. Ít năm sau, Mô-da đã trở thành nhạc sĩ nổi tiếng khắp châu Âu và thế giới.
Câu chuyện trên xảy ra khi Mô-da mới 6 tuổi.
Xem thêm Lời giải VBT Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Bài 12:
Giải vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 trang 39, 40, 41, 42 tập 1 Bài 12 - KNTT (umbalena.vn)
Xem thêm các Lời giải SGK Tiếng Việt lớp 4 Tập 1 Kết nối tri thức khác:
Giải Sách Tiếng Việt lớp 4 tập 1 trang 44, 45, 46, 47 Bài 10 - KNTT (umbalena.vn)
Giải Sách Tiếng Việt lớp 4 tập 1 trang 48, 49, 50 Bài 11 - KNTT (umbalena.vn)
Giải Sách Tiếng Việt lớp 4 tập 1 trang 55, 56, 57, 58 Bài 13 - KNTT (umbalena.vn)
Giải Sách Tiếng Việt lớp 4 tập 1 trang 59, 60, 61,62 Bài 14 - KNTT (umbalena.vn)