Tin tức & Sự kiện

6 bí quyết rèn luyện sự tự tin cho trẻ từ lời khuyên của chuyên gia tâm lý

6 bí quyết rèn luyện sự tự tin cho trẻ từ lời khuyên của chuyên gia tâm lý

 

Rèn sự tự tin cho trẻ là điều mà ba mẹ không thể lơ là trong quá trình dạy dỗ nó sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc sống sau này của trẻ. Từ kinh nghiệm sống của chính mình, nhiều ba mẹ hẳn cũng nhận biết tầm trọng quan trọng của việc dạy trẻ tự tin nhưng làm thế nào để trẻ tự tin hơn, giúp trẻ phát huy hết tiềm năng vốn có của mình là điều không phải ba mẹ nào cũng làm được.

1. Biểu hiện của trẻ nhút nhát thiếu tự tin

Trẻ nhút nhát, thiếu tự tin thường có một số biểu hiện như:

  • Khó khăn, ngại ngùng khi nói chuyện người khác, đặc biệt là người lạ.

  • Dễ bị hoảng hốt, lo lắng hoặc bối rối khi ở trong các tình huống mới hoặc khi ở bên cạnh nhiều người.

  • Né tránh việc tham gia các hoạt động xã hội mà trẻ cho rằng mình không giỏi hoặc có thể đánh giá.

  • Trẻ thường cảm thấy mình không đủ tốt và không tin vào khả năng của bản thân.

2. Nguyên nhân cho sự thiếu tự tin ở trẻ

Việc trẻ không tự tin ở bản thân có thể xuất hiện do một số nguyên nhân như:

  • Tính cách bẩm sinh: Một số trẻ sinh ra đã có tính cách nhút nhát, rụt rè và dễ bị kích động hơn những trẻ khác, đòi hỏi nhiều thời gian hơn để làm quen với môi trường mới và cảm thấy thoải mái khi ở bên cạnh người khác.

  • Môi trường sống: Những trẻ có ba mẹ quá bận rộn, ít quan tâm đến con cái khiến trẻ không cảm nhận được sự gắn bó với ba mẹ hay việc ba mẹ bảo vệ trẻ quá mức trước những tình huống mới, không để trẻ giao lưu nhiều với người khác là nguyên nhân khiến trẻ bị thiếu tự tin. 

  • Cách giáo dục: Ba mẹ có tính cách nhút nhát, rụt rè sẽ khiến con bị ảnh hưởng bởi hành động, tâm lý hằng ngày của mình. Mặt khác, cũng có nhiều bậc ba mẹ quá tài giỏi, tự tin nên yêu cầu con mình phải giỏi theo, có những hành vi tiêu cực tác động đến trẻ khi con không đạt kỳ vọng. Điều này cũng gây ra tình trạng tự ti ở trẻ.

  • Trải nghiệm của chính trẻ: Những trải nghiệm tiêu cực như bị bắt nạt, bị trêu chọc hoặc gặp thất bại trong học tập hoặc các hoạt động khác có thể khiến trẻ trở nên nhút nhát và thiếu tự tin.

Ba mẹ ít quan tâm đến con cái có thể khiến trẻ nhút nhát thiếu tự tin

3. Vì sao ba mẹ nên rèn luyện sự tự tin cho trẻ?

Sự tự tin là dấu hiệu của sự thành công trong tương lai

Theo 1 nghiên cứu về quy trình của sự thành công được đăng trên Tờ báo Tính cách và Tâm lý xã hội (Journal of personality and social psychology) những đứa trẻ tự tin thường thành công hơn trong cuộc sống sau này. Bởi nó sẽ củng cố niềm tin của trẻ rằng sự nỗ lực, kỹ năng của trẻ sẽ dẫn đến kết quả tốt, từ đó duy trì được tinh thần cố gắng, không bỏ cuộc khi gặp khó khăn ở trẻ. Bên cạnh đó, khi bé tự tin, bé sẽ dễ dàng thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống và có khả năng đương đầu với những thử thách mới.

Trẻ mạnh dạn hơn trong giao tiếp

Nhiều ba mẹ lo sợ rằng trẻ nhút nhát thiếu tự tin sẽ không dám bắt chuyện với bạn bè khi bước vào cấp học mới. Do đó, xây dựng sự tự tin cho trẻ trước khi bước vào môi trường học đường là rất quan trọng bởi nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc trẻ có thể dễ dàng kết bạn với mọi người không. Khi tự tin, bé cũng sẽ cởi mở và thân thiện hơn, không sợ người lạ và hòa nhập tốt với bạn bè, thầy cô.

Trẻ tự tin sẽ học tập hiệu quả hơn

Khi bé tự tin, bé sẽ cởi mở hơn với việc học hỏi, sẵn sàng đặt câu hỏi, tham gia thảo luận và chia sẻ ý kiến. Điều này giúp bé tiếp thu kiến thức một cách chủ động hơn là chỉ đơn thuần nghe những gì thầy cô nói và ghi nhớ chúng. Sự tự tin giúp trẻ vượt qua những khó khăn trong học tập, phát huy khả năng sáng tạo vì dám thử nghiệm những điều mới mẻ, dám thể hiện cá tính bản thân.

4. Làm thế nào để trẻ tự tin hơn?

Sự tự tin là là niềm tin tưởng vào bản thân, tin vào khả năng của chính mình. Không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng có sẵn sự tự tin và không phải sự tự tin bẩm sinh nào cũng có thể được duy trì đến khi lớn lên, nói cách khác, đây là một phẩm chất có thể học được. 

Nhà tư vấn tâm lý học lâm sàng Emma Citron cho biết: “Việc nuôi dưỡng con cái rất quan trọng đến sự tự tin của trẻ. Nếu các bậc ba mẹ chỉ trích các vấn đề cân nặng, kết quả học tập, khả năng thể thao, ngoại hình hoặc bất cứ điều gì của trẻ, nó gây ảnh hưởng rất xấu đến sự tự tin của con. Nhưng nếu ba mẹ đối xử một cách tích cực, cho phép trẻ tham gia vào mọi việc, trẻ sẽ cảm thấy hài lòng về bản thân và tự tin hơn”. 

6 bí quyết rèn luyện sự tự tin cho trẻ từ lời khuyên của chuyên gia tâm lý

Dưới đây là 6 cách giúp trẻ hiệu quả từ lời khuyên của các chuyên gia về Trẻ em, Tâm lý học:

Ba mẹ làm gương cho trẻ 

Hãy trở thành hình mẫu lý tưởng về sự tự tin cho trẻ ngay cả khi bạn không thực sự tự tin. Nghe có vẻ hơi mâu thuẫn nhưng thực tế cho thấy, tâm trạng, hành động, lời nói của ba mẹ ảnh hưởng rất lớn đến con. Nếu con nhìn thấy bạn đương đầu với những nhiệm vụ mới bằng sự lạc quan và chuẩn bị tốt, trẻ cũng sẽ làm thấy tự tin hơn. Đó không phải là sự giả tạo mà là cơ hội để cả bạn và bé con sống tích cực, lạc quan và tự tin hơn đấy!

Không tỏ thái độ tiêu cực khi trẻ mắc sai lầm

Cả người lớn cũng mắc sai lầm và chúng ta đều biết rằng không ai là hoàn hảo cả. Do vậy, khi trẻ thất bại trước điều gì đó, ba mẹ hãy giúp trẻ biết rằng, đó chỉ là thử nghiệm và điều quan trọng là học hỏi từ chúng, chứ không phải mãi lo lắng về chúng. Những người tự tin không để nỗi sợ thất bại cản trở họ - không phải vì họ chắc chắn mình sẽ không bao giờ thất bại, mà vì họ biết cách vượt qua những trở ngại!

Luôn động viên,khen ngợi khi trẻ có sự kiên trì bất kể thành công hay không

Kiên trì để thực hiện một việc gì đó không phải điều dễ dàng. Khen ngợi khi bé đạt được thành tích là điều hiển nhiên nhưng ba mẹ cũng đừng quên cho con biết mình cũng rất tự hào về sự cố gắng của con, công nhận những nỗ lực mà con bỏ ra bất kể kết quả có như thế nào.

Khuyến khích trẻ thử nghiệm những điều mới

Thay vì tập trung toàn bộ năng lượng vào những gì trẻ đã giỏi, ba mẹ cũng nên khuyến khích bé bước ra khỏi vùng an toàn để thử nghiệm những điều mới mẻ. Việc đạt được những kỹ năng khác sẽ càng giúp bé trở nên tin vào khả năng thích ứng và năng lực học hỏi của mình. Và biết đâu trong quá trình này, bé sẽ tìm ra đam mê thực sự của mình đấy ba mẹ ơi!

Dạy trẻ cách đặt mục tiêu cho các hoạt động

Khi trẻ muốn làm việc gì đó, ba mẹ hãy cùng con đặt mục tiêu cho việc này nhé! Dù việc lớn hay nhỏ, đặt mục tiêu rõ ràng theo từng giai đoạn sẽ giúp có thêm động lực để thực hiện. Chẳng hạn như con muốn tạo thói quen đọc sách trong 30 ngày, ba mẹ có thể cùng con lập bảng theo dõi, mỗi ngày đọc sách sẽ tick 1 dấu tick vào ô, nhìn vào bảng này, trẻ có thể thấy được sự cố gắng, kiên trì của mình qua từng ngày nên sẽ không muốn bỏ cuộc.

Khuyến khích trẻ bày tỏ ý kiến, tự chăm sóc bản thân

Ba mẹ nên dành thời gian lắng nghe ý kiến của con trẻ, để trẻ có thể làm những việc mà trẻ thích mà không gây ảnh hưởng xấu đến bản thân trẻ cũng như người khác như cho phép trẻ tự chọn màu sắc, kiểu dáng quần áo mỗi khi đi mua sắm hay hướng dẫn trẻ tự vệ sinh cá nhân, chuẩn bị sách vở khi đến trường… Việc để trẻ có thể tự do nói ra suy nghĩ và hành động theo ý thích cá nhân của mình sẽ giúp trẻ cảm thấy được kết nối và coi trọng nhiều hơn.

Tự tin là chìa khóa giúp trẻ thành công trong học tập, công việc và cuộc sống sau này. Hy vọng với những chia sẻ ở trên của Umbalena, ba mẹ đã biết cách để rèn luyện sự tự tin cho con trẻ. Hãy dành cho con nhiều thời gian hơn ba mẹ nhé!