8 cách để con BẢN LĨNH cứu mình khỏi kẻ bắt cóc
8 cách để con BẢN LĨNH cứu mình khỏi kẻ bắt cóc
Dù ở thời gian hay địa điểm nào, con nhỏ vẫn có thể rơi vào tình huống bị bắt cóc cực kỳ nguy hiểm và nguy cơ xảy ra mối đe dọa này sẽ thường trực hơn việc bố mẹ đang “hời hợt” nghĩ đến. Hơn nữa, kẻ xấu không phải lúc nào cũng dễ nhận biết, họ thậm chí có thể là cả những người quen biết xung quanh trẻ.
Vì vậy, điều quan trọng là phải dạy cho trẻ cách đề phòng, nhận biết và cách ứng phó nếu gặp trường hợp xấu.
1. Nguy hiểm không phải lúc nào cũng đến từ người lạ
Trẻ có thể chưa phân biệt được ai là người lạ và ai là người con có thể tin tưởng. Chúng ta thường miêu tả với con rằng người xấu là những ai đó trông xa lạ hoặc đáng sợ. Nhưng thực tế, không phải lúc nào cũng vậy. Chúng ta đều biết người xấu thật sự vẫn có thể tỏ ra tử tế và thân thiện và người có thể gây nguy hiểm cho con cũng không hẳn phải là người lạ.
2. Ai được coi là người lớn “an toàn”
Nếu chúng ta không thể làm rõ cho con biết ai là người xấu, vậy thì hãy làm điều ngược lại. Nói cho con biết những người thật sự đáng tin cậy. Những người mà bạn cho phép họ đón con từ trường hoặc đến nhà bạn ngay cả khi con chỉ có một mình. Đó có thể là một người họ hàng, một người hàng xóm thân thuộc, hoặc một người trông trẻ trung thành.
Nói với con về “danh sách an toàn” và nhắc nhở con rằng nếu có bất kỳ ai khác tiếp cận con ở bên ngoài, con có thể sẽ gặp nguy hiểm khi nói chuyện với họ.
Xem thêm: 5 ứng xử sai lầm khiến trẻ càng mè nheo, ăn vạ
3. Tìm thế thoát thân
Dạy cho bé rằng nếu con đang bị ai đó lái xe theo sau, con nên chạy ngược chiều với họ bởi khi đó, chiếc xe sẽ phải quay lại và con sẽ có nhiều thời gian hơn để chạy trốn.
4. Tìm một ‘chỗ dựa” an toàn
Nếu không có người thân quen nào ở gần khu vực con rơi vào tình huống bị đe dọa, hãy tìm một người mẹ có con nhỏ và nhờ họ giúp đỡ. Con cũng có thể cố gắng tìm một chú công an nhưng khả năng để tìm một người phụ nữ có con sẽ dễ dàng hơn.
5. Cho người khác biết con đang gặp nguy hiểm
Trẻ nhỏ thường không kiểm soát được cảm xúc, vì vậy khi trẻ la hét có thể không thu hút sự chú ý, ngay cả khi con gặp nguy hiểm. Đó là lý do tại sao sẽ hữu ích hơn nếu chúng ta dạy con hét lên điều gì đó có thể khiến mọi người quan tâm, chẳng hạn như: “Cứu con với! Con không quen họ! Ba mẹ ơi! Có người bắt cóc con! Cứu con với!”
6. Làm vỡ đồ cũng không sao!
Nếu la hét là không đủ và con cần thu hút nhiều sự chú ý hơn, con có thể cố gắng phá phách để thu hút mọi người. Ví dụ: bé có thể hất tung mọi thứ khỏi kệ nếu đang ở trong cửa hàng, đẩy ngã đồ đạc hoặc dùng đá đập vỡ cửa sổ ô tô.
7. Dạy con cách nói “không”
Trẻ nên biết nói “không” với người lớn nếu đó không phải là cha mẹ hoặc một người trong “danh sách an toàn”. Không phải đứa trẻ nào cũng quyết đoán và chống lại người lớn, nhưng bạn nên dạy con cách làm điều đó. Bạn thậm chí có thể mô tả ra các tình huống khác nhau với con, chẳng hạn như cách con nên phản ứng nếu ai đó tiếp cận và cho kẹo hoặc yêu cầu giúp đỡ.
Xem thêm: 9 đặc điểm “giải mã” tính khí ở trẻ
8. An toàn trực tuyến
Hãy để tâm nhiều hơn nếu trẻ bắt đầu sử dụng Internet. Nói chuyện với con về những gì con làm ở đó, những ứng dụng con sử dụng và những người con nói chuyện cùng. Hãy chắc chắn trẻ biết rằng trực tuyến cũng gây ra nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn và con nên cẩn thận khi nói chuyện với người lạ trên nền tảng này.
Hãy trang bị cho con những kỹ năng cần thiết để bé có thể tự bảo vệ mình khi gặp nguy hiểm nhé!
Nguồn: Brightside.me