9 đặc điểm “giải mã” tính khí ở trẻ
9 đặc điểm “giải mã” tính khí ở trẻ
Bố mẹ có biết, biểu hiện và cách hành xử ở mỗi đứa trẻ được gọi là gì?
Tại sao mỗi em bé lại có những đặc trưng về tính cách khác nhau?
2 nhà tâm lý học Alexander Thomas và Stella Chess, trong nghiên cứu The New York Longitudinal Study (NYLS) năm 1956 đã phát hiện: Con vừa khi lọt lòng đã sở hữu tính khí riêng biệt. Và có tận 9 đặc điểm hình thành tính khí. Những đặc điểm ấy “thiết kế” cho trẻ một bộ phản ứng và hành vi bản năng.
Mary Sheedy Kurcinka, tác giả cuốn sách “Raising your spirited child” đã chia sẻ: Đừng nhầm lẫn tính khí như là khủng hoảng lên 2 hay lên 6. Trẻ không tự chọn tính khí của mình và bố mẹ cũng thế. Hiểu 9 đặc điểm nổi bật về tính khí, bố mẹ sẽ dễ dàng dự đoán hành vi, giúp con điều chỉnh, định hướng cách cư xử, học hỏi và cách tương tác trong những năm tháng đầu đời. Hãy cùng tìm hiểu sâu về 9 đặc điểm này và chấm xem con là một em bé có tính khí thế nào nhé!
1. Cường độ hoạt động (Activity)
Qua thời gian khi lớn lên, trẻ sẽ bộc lộ cường độ hoạt động dựa trên mức độ giải tỏa năng lượng và tần suất “chạy nhảy”.
Một em bé với cường độ hoạt động vượt trội luôn tỏa ra nguồn năng lượng dồi dào, chạy nhảy suốt ngày và tỏ ra khó chịu khi phải ngồi yên một chỗ trong khoảng thời gian quá lâu.
Ngược lại có những em bé ưa thích sự yên tĩnh, ưu tiên những nhiệm vụ cần năng lượng nhẹ nhàng chậm rãi.
Đối với loại đặc điểm này, bố mẹ hãy cho phép trẻ tự do lựa chọn tần suất hoạt động trong ngày. Trẻ “hoạt động” vượt quá thời gian một chút cũng chẳng sao nếu là một đứa trẻ tinh nghịch giàu năng lượng. Với những bạn nhỏ trầm tĩnh hơn, bố mẹ hoàn toàn có thể tham khảo những hoạt động “tĩnh” ngoài trời bằng cách thiết kế cho con một không riêng để đọc sách, vẽ tranh,...
2. Nhịp độ sinh học (Regularity)
Sự điều độ hình thành từ thói quen sinh hoạt hằng ngày: ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân,…
Phần đông trẻ nhỏ thích nghi nhanh, linh động hơn người lớn nếu xuất hiện thay đổi trong thói quen thường nhật.
Cũng có những em bé mất nhiều thời gian hơn để làm quen hơn nếu thiếu đi thời gian biểu cố định.
Để điều chỉnh sự đặc điểm này bố mẹ nên đặt ra khoảng thời gian nhất quán cho các lịch trình ngày thường của bé, nhưng vẫn giữ lại tính linh hoạt với các thói quen mới.
3. Phản xạ bản năng (Initial reaction)
Phản xạ bản năng hình thành ở cách trẻ ứng xử với mọi người và phản ứng với các tình huống xung quanh.
Những đứa trẻ vốn dĩ cởi mở sẽ cực hào hứng, thích thú và hiếu kỳ những điều mới lạ, dễ dàng kết thân bạn bè, thích ngay đồ chơi mới hay lập tức hòa mình ở môi trường lạ lẫm.
Ngược lại cũng có trẻ sẽ do dự, cẩn trọng và dè chừng hơn, con cần nhiều thời gian cho việc quan sát và thích ứng.
Bố mẹ nên tạo nhiều cơ hội cho trẻ gặp gỡ bạn mới, rèn luyện với những thử thách mới. Những bạn còn dè chừng được khuyến khích tham gia hoạt động cùng nhóm với những em bé cởi mở hơn để tạo cho con cảm giác an toàn.
4. Khả năng thích nghi (Adaptability)
Trẻ thích nghi tốt là khi con biết tự điều chỉnh bản thân để thích ứng với nhiều môi trường.
Một số trẻ dễ dàng chấp nhận thay đổi trong thói quen sinh hoạt và môi trường sống. Trong khi những bạn không thích ứng kịp sẽ phản ứng lại và trở nên khó chịu. Việc thích nghi với trẻ phải diễn ra từ từ từng bước một.
Đối với đặc điểm này, bố mẹ nên thảo luận cùng trẻ về những thay đổi sắp diễn ra, chuẩn bị một số mẹo để giải quyết sự miễn cưỡng của trẻ và cho con thêm thời gian để điều chỉnh bản thân.
5. Độ mẫn cảm (Intensity)
Các tác động từ môi trường bên ngoài (Âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ,…) ảnh hưởng đến giác quan, cảm xúc của con ở cường độ như thế nào?
Các tác nhân này có thể khiến trẻ nhỏ trở nên hồ hởi hoặc khó chịu hay phản ứng dữ dội. Nhưng đối với đứa trẻ khác lại thờ ơ, chẳng hề có tác động nghiêm trọng.
Nếu trẻ quá sôi nổi, bố mẹ nên chọn những không gian riêng thích hợp để con được thỏa sức náo nhiệt. Ngược lại con tỏ vẻ thờ ơ, bố mẹ hãy sắp xếp không gian hoạt động ở khu vực yên tĩnh hơn.
6. Tâm trạng (Mood)
Chất lượng tâm trạng của trẻ được biểu đạt dựa vào cách thể hiện tình cảm tích cực hay tiêu cực..
Những em bé tích cực có bản năng tự nhiên là vui vẻ, dễ gần, dễ hài lòng.
Một số trẻ khác thì lại hay cáu kỉnh, dễ bực bội, an ủi hoặc làm hài lòng hơn. Tuy vậy, sự tích cực quá mức có thể khiến bố mẹ khó lòng biết khi nào con gặp khó khăn hay đau đớn. Một đứa trẻ có khuynh hướng tiêu cực quá cũng có thể gây khó khăn trong giao tiếp.
Đối với trẻ có xu hướng tiêu cực, bố mẹ hãy sử dụng sở thích để xoay chuyển hoặc làm nhẹ tâm trạng con. Nếu con thường xuyên phàn nàn về việc dọn dẹp, và bố mẹ lại biết trẻ rất thích khủng long, hãy gợi ý trẻ giả làm khủng long trong lúc dọn dẹp hoặc giấu một món đồ chơi khủng long yêu thích mà trẻ có thể săn lùng trong khi dọn dẹp.
7. Cường độ phản ứng (Intensity of Reactions)
Là mức độ năng lượng khi bé phản ứng với một tình huống, dù theo hướng tích cực hay tiêu cực.
Một em bé với những phản ứng mạnh thường hay cười lớn hoặc khóc ầm ĩ, thể hiện rõ ràng sự yêu ghét. Trẻ luôn thể hiện cảm xúc rất mãnh liệt vì thế mọi người dễ dàng nhận thấy ra.
Một số em bé khác lại thể hiện cảm xúc rất nhẹ nhàng, ít tỏ ra kích động hơn mặt dù con vẫn trải qua những cảm giác như vậy.
Bố mẹ nên quan sát con để nhận biết cường độ phản ứng thông qua các giác quan của trẻ, lắng nghe để hiểu hơn những cảm xúc trẻ trải qua.
8. Phân tán tư tưởng (Distractibility)
Là mức độ dễ bị phân tâm khỏi nhiệm vụ của bé do các kích thích từ môi trường. Con có sẵn sàng chú tâm đến thứ mới và dễ bị phân tâm hay không? Con là đứa trẻ chăm chú hay lơ đễnh.
Trẻ dễ bị sao lãng khó tập trung vào những công việc cụ thể, nhanh chóng từ bỏ nhiệm vụ được giao. Bé có khả năng quan sát tốt mọi thứ đang diễn ra xung quanh và có thể bị chuyển hướng sang vấn đề khác bởi những suy nghĩ và mơ mộng của mình.
Những đứa trẻ không dễ bị phân tâm có thể hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn cho dù có bất kỳ sự gián đoạn nào, nhưng không nhanh nhạy trong việc kịp thời nhận biết thay đổi xung quanh.
Bố mẹ có thể hạn chế phiền nhiễu trong môi trường bằng cách xem xét địa điểm và thời gian để thiết lập các hoạt động. Trong lúc trẻ đang làm bài tập về nhà, bố mẹ hãy hạn chế để trẻ bị phân tán với đồ ăn hoặc những thú vui khác.
9. Sự bền bỉ, kiên trì (Persistence & Attention Span)
Là mức độ, khoảng thời gian trẻ nhẫn nại tập trung với một hoạt động và khả năng trẻ theo đuổi mục tiêu bất chấp áp lực hay khó khăn.
Những đứa trẻ kiên trì có thể hoàn thành một nhiệm vụ ngay cả khi chúng cảm thấy không thích thú.
Nếu con muốn thứ gì đó, con sẽ liên tục nỗ lực cho đến khi có được nó.
Ngược lại trẻ thiếu sự bền bỉ sẽ gặp khó khăn khi tiếp tục với các hoạt động kéo dài hoặc nhiều bước.
Khi làm bài tập về nhà và phải đối mặt với một vấn đề khó khăn, trẻ không có tính bền bỉ thường dễ trở nên khó chịu và bỏ cuộc. Vì thế bố mẹ nên cung cấp các hoạt động khác nhau về độ dài và độ phức tạp, ưu tiên các hoạt động trẻ yêu thích hơn, từng bước một tăng độ thử thách cho trẻ.
9 đặc điểm rất chi tiết về từng nét tính khí một và đưa ra các giải pháp để "trị" từng nét tính khí đó chắc chắn sẽ giúp bố mẹ xoay sở một cách dễ dàng với việc hòa hợp với trẻ và giúp con hòa hợp với môi trường cuộc sống.