Tin tức & Sự kiện

Dạy trẻ am hiểu về Tài chính (Financial Literacy) chưa bao giờ là quá sớm!

Dạy trẻ am hiểu về Tài chính (Financial Literacy) chưa bao giờ là quá sớm!

Năm 2015, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF) đã công bố một thực trạng cấp bách về khoảng hở trong giáo dục kỹ năng cấp thiết cho trẻ em thế kỷ 21. Một trong 16 kỹ năng thiếu hụt nghiêm trọng được đề cập ấy chính là hiểu biết về tài chính (Financial Literacy).  

Có lẽ quản lý tài chính là kỹ năng hiếm bố mẹ nào để tâm trong lộ trình giáo dục trẻ với luận điểm rằng: con còn bé biết gì về tiền đâu? 

Vậy tại sao việc giáo dục tư duy tài chính cho con lại được thúc đẩy trong những năm gần đây bởi các nhà giáo dục chuyên môn? 4 tầm quan trọng “lên tiếng” để biến kỹ năng này trở thành kỹ năng cấp thiết trong thế kỷ 21 là gì? Hãy đọc đến cuối bài viết này như một lời thuyết phục bố mẹ rằng hãy xây dựng, vun đắp cho con sự thông minh về tiền bạc ngay tại thời điểm này.

1. Trẻ định hình đúng vai trò, giá trị của đồng tiền 

Tư duy vững vàng về tài chính cho con nhận thức được đúng vai trò của tiền trong đời sống và có cách ứng xử phù hợp. Hơn nữa, còn là điều kiện để trẻ giữ được giá trị của chính bản thân mình, biết quý trọng giá trị của tiền và hướng tới lao động chân chính.

Những nhận thức chuẩn đầu đời ấy có thể được dung nạp từ hành động giải thích giá trị từng món hàng trong lúc con được tham gia vào quá trình “chi tiêu”. Ở quá trình ấy, bố mẹ hãy thử trao quyền cho trẻ tự quyết định “thanh toán” món mình muốn trong giới hạn ngân sách đặt ra. Từ đó, lồng ghép vào bài học phân tích các lựa chọn phù hợp. 

Ngay từ sớm hãy để trẻ tham gia lao động với nguyên tắc vừa sức và một trong những nhiệm vụ đầu tiên là “lao động tự phục vụ” vừa rèn luyện kỹ năng tự lập vừa để bố mẹ dạy trẻ bài học tự tạo giá trị cho bản thân.

Trẻ sẽ hiểu được giá trị của đồng tiền, bắt đầu biết suy nghĩ trong chi tiêu và cũng ít đòi hỏi hơn trong quá trình khôn lớn. 

 

2. Trẻ nhận giáo dục sớm về tài chính sẽ tránh được các rủi ro trong tương lai.

Nhiều bậc cha mẹ luôn chủ động cách ly con khỏi những cuộc trò chuyện về tiền bạc vì quan niệm đây là vấn đề nhạy cảm, nên tránh cho trẻ tham gia vào những chủ đề nặng nề vật chất. 

Tuy nhiên sự thật rằng càng né tránh, trẻ sẽ thiếu hụt đi kiến thức và kỹ năng nghiêm trọng, chạy lùi về phía sau trong hành trình hội nhập toàn cầu và theo đuổi một cuộc sống lành mạnh.

Xa hơn hết, con có nguy cơ sẽ gặp những chênh vênh, rủi ro từ việc thực hiện các quyết định tài chính trong tương lai và tương tự trẻ lớn lên cũng sẽ xem việc chia sẻ những câu chuyện tài chính với gia đình là vấn đề khó trao đổi.

 

3. Trẻ sẽ học được kỹ năng đầu tư, tiết kiệm cho các kế hoạch tương lai

Tiết kiệm và phân loại tiết kiệm là một trong những bài học “đinh” giúp con biết quản trị tài chính từ sớm và vận hành tốt các kế hoạch cá nhân trong tương lai, từ những kế hoạch nhỏ như mua một món hàng, sắp xếp cho một chuyến du lịch hay lớn hơn là đầu tư sinh lợi. 

Bố mẹ nên tiến hành giúp con lập ngân sách và phân loại một cách hợp lý. Mô hình “4 chiếc lọ” với mỗi chiếc được dán nhãn ý nghĩa nhất định sẽ là “chiến lược” phù hợp trong việc giáo dục trẻ:

Lọ “save” - Để dành: Khoản tiền tiết kiệm cho một mục đích cụ thể (30%).

Lọ “invest” - Đầu tư: Khoản tiền bố mẹ dạy bé cách đầu tư vào một mục đích nào đó (30%).

Lọ “donate” - Cho đi: Khoản tiền dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình (10%).

Lọ “spend” - Tiêu: Khoản tiền được sử dụng tùy ý bé (30%).

Bằng cách này, phụ huynh đã giúp con hiểu và dần làm quen với cách tiết kiệm. Có thể phút ban đầu khó khăn nhưng lâu dần trẻ sẽ chủ động hơn đối với việc quản lý ngân sách và chi tiêu hợp lý.

 

4. Trẻ sống hạnh phúc hơn, cuộc sống ít căng thẳng hơn

Tầm quan trọng của kỹ năng quản lý tài chính thông minh đóng góp phần nhiều vào lối sống cân bằng, lành mạnh và hạnh phúc, đặc biệt trong thế giới đầy biến động ngày nay.

Bắt đầu bằng việc thống nhất cho con một tư duy lành mạnh và minh bạch khi đề cập đến tài chính, tiền bạc. Sau đó tập cho con thói quen liên tục cập nhập kiến thức, nâng cao tư duy và nói về tài chính một cách thường xuyên, minh bạch và thoải mái, học cách cân bằng giữa chi tiêu và hưởng thụ cuộc sống.

 

Kỹ năng hiểu biết về tài chính không chỉ dừng lại ở việc tiêu tiền một cách khôn ngoan và đúng đắn, kỹ năng tài chính bao gồm cả việc định hình đúng vai trò, giá trị vật chất, biết thực hành tiết kiệm đầu tư, trang bị đủ tư duy kiến thức để tránh những rủi ro và hướng đến đời sống tài chính minh bạch, rạch ròi. Nói một cách cụ thể, phụ huynh nên đề cao tầm quan trọng của kỹ năng tài chính và có cách giáo dục sớm để trẻ trở thành những nhà quản trị tài chính ngay từ trước khi tiếp xúc với việc chi tiêu. Trẻ nhỏ thường sẽ không thể tự động học được những bài học quan trọng, mà cần phải được dạy dỗ đúng cách và đúng thời điểm. Nền tảng hiểu biết về tài chính đúng đắn sẽ định hướng đời sống lành mạnh, hạnh phúc và thành công trong trong tương lai.