DẠY CON TỪ THUỞ CÒN THƠ…
DẠY CON TỪ THUỞ CÒN THƠ…
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc chú ý và biết cách hành xử trong các tình huống xã hội giữ vai trò quan trọng trong thành tích học tập và kinh nghiệm sống hiện tại và cả thành công trong tương lai cũng như của trẻ. Vậy nên, ngay từ khi con còn nhỏ, bạn có thể hỗ trợ con hình thành thói quen và cách ứng xử phù hợp với đạo đức, để con cảm thấy tự tin và chủ động trong các tình huống chúng gặp.
Tuy nhiên, cách tốt nhất để dạy con cư xử tốt là tự mình làm gương cho con trong chính cuộc sống sinh hoạt gia đình hằng ngày và trong giao tiếp của bạn với người khác. Dưới đây là năm thói quen tốt khi tương tác với các mối quan hệ trong xã hội mà bạn có thể dạy con thực hành ngay bây giờ.
1. Dạy con biết nói những lời “kỳ diệu”: làm ơn và cảm ơn.
Điều thể hiện bên trong những từ ngữ đó là: Sự tôn trọng và lòng biết ơn.
Làm thế nào để bắt đầu?
Trong sân chơi nhỏ, có nhiều bé khác đang cùng vui chơi. Nếu bạn nhận thấy con bạn muốn được chơi một món đồ chơi đặc biệt hoặc muốn sử dụng một chiếc xe đạp của bé khác. Hãy nhẹ nhàng hướng dẫn bé hỏi bạn bè ở sân chơi xem bạn có thể vui lòng cho phép mình chơi cùng hay không. Khi con nhận được sự đồng ý từ phía bạn, hãy hướng dẫn bé nói, cảm ơn bạn. Hãy củng cố và hình thành thói quen này trong con bằng cách đảm bảo rằng con sẽ luôn bắt đầu với câu nói “Làm ơn” và kết thúc bằng một lời “Cảm ơn” khi con có nhu cầu cá nhân và muốn người khác đáp ứng.
2. Dạy con biết nói “xin lỗi” khi làm gián đoạn cuộc trò chuyện của ai đó hoặc gõ cửa trước khi muốn vào phòng riêng của người khác.
Ý nghĩa thể hiện: sự tôn trọng mọi người và nhận thức xã hội ở trẻ.
Thực hiện: Nếu con bạn ngắt lời bạn trong một cuộc gọi điện thoại công việc hoặc trong khi bạn đang trò chuyện với ai đó, hãy tạm dừng và bình tĩnh khuyến khích bé nói lời “xin lỗi” để thu hút sự chú ý của bạn hay người khác. Cũng nhẹ nhàng nhắc con gõ cửa trước và xin phép rồi hãy vào phòng riêng của ai đó. Bạn dặn con làm điều này ở mọi nơi dù ở nhà, ở nơi nào khác và ở trường cũng vậy.
3. Dạy con cách nói chuyện với người lớn: lễ phép, lịch sự, giao tiếp bằng mắt và sử dụng đại từ nhân xưng Ông/Bà/Bác...
Ý nghĩa thể hiện: Sự tự tin, lòng tôn trọng và năng lực giao tiếp xã hội ở trẻ.
Thực hiện: Trước khi bạn tiếp cận một người bạn gặp ở trường học của con hay ở đâu đó, hãy quay sang con và hỏi: Con, con có nhớ Bác A, là bố bạn B không? Nói lời chào bác nào con! Hãy khuyến khích bé mỉm cười, nhìn thẳng vào mọi người bé gặp và nói xin chào. Bạn có thể cùng con đặt ra các tình huống gặp gỡ người này người khác và cùng con thực hành. Điều này sẽ giúp bé cảm thấy tự tin hơn trong các lần gặp chính thức. Với các bé lớn tuổi, bạn khuyến khích con chào hỏi mọi người với sự tôn trọng và vui vẻ, hân hoan.
4. Dạy con chờ đến lượt mình và chia sẻ với mọi người.
Ý nghĩa thể hiện: Sự kiên nhẫn, tự chủ, sự tôn trọng cảm xúc của người khác và sự công bằng.
Thực hiện: Khuyến khích con tham gia các trò chơi tập thể như bóng đá, bóng rổ, cầu trượt …hoặc cùng tham gia bữa tiệc với bạn bè. Các hoạt động diễn ra tốt nhất khi trẻ cùng suy nghĩ và làm việc cùng nhau. Ví dụ, khi chơi cầu trượt, bạn nhẹ nhàng nhắc con để cho các bạn phía trước trượt xuống trước, rồi đến lượt con thì con trượt xuống. Hãy để con tham gia vào công việc chuẩn bị một bữa tiệc: chuẩn bị thìa, dĩa…, chia đồ ăn cho mọi người. Sự “bận rộn’’ trong việc này khiến bé sẽ rất vui và hạnh phúc.
5. Dạy con cách thức ăn uống.
Ý nghĩa thể hiện: Sự tự kiểm soát, trưởng thành và nhận thức rằng mỗi một bữa ăn là một sự kiện mà mọi người sẽ cùng nhau vui vẻ thưởng thức.
Thực hiện: Bé sẽ thật khó khăn để hiểu được những quy tắc phức tạp của việc ăn uống. Tuy nhiên, bạn có thể hướng dẫn con những hành động đơn giản, dễ hiểu.
- Đến giờ ăn cơm thì đi rửa tay thật sạch, sau đó ngồi ngay ngắn nơi bàn ăn.
- Nếu đồ ăn đã được chia theo suất, bạn hướng dẫn con dùng thìa, đũa…(ưu tiên đồ dùng con thấy dễ dàng, thoải mái khi ăn). Khi con chưa quen sử dụng, bạn sẽ cầm tay để chỉ con, sau đó để con tự làm. Hãy kiên nhẫn với con, bạn sẽ vui vẻ chấp nhận cả những lần rơi vãi thức ăn khi con chưa quen. Rồi tình hình sẽ được cải thiện dần.
- Nếu đồ ăn được lấy tự do, bạn sẽ hỏi ý kiến con muốn ăn gì? Sau đó hướng dẫn con dùng đồ lấy thức ăn chung để lấy thức ăn về khay/ đĩa/ bát của mình. Nếu con chưa đưa ra được quyết định, bạn có thể cho con những gợi ý như hãy bắt đầu với món canh/ súp rồi món chính và sau đó là món tráng miệng…
Sẽ có nhiều bỡ ngỡ và cả những đổ vỡ, thất bại với con. Nhưng bạn có thể hỗ trợ con bằng sự kiên nhẫn, sự chỉ dẫn rõ ràng, nhất quán và bạn cũng dành thời gian để cùng con thực hành ở nhà và ở nơi công cộng, bạn sẽ tạo ra nền tảng cho cả cuộc đời con.