Hình thành cho bé GIAO TIẾP PHI NGÔN NGỮ
Hình thành cho bé GIAO TIẾP PHI NGÔN NGỮ
Những điểm chính:
-
Giao tiếp phi ngôn ngữ tích cực bao gồm nụ cười, ngôn ngữ cơ thể, giao tiếp bằng mắt và giọng nói.
-
Giao tiếp phi ngôn ngữ tích cực rất tốt cho các mối quan hệ của trẻ và sự phát triển của trẻ.
-
Bạn có thể sử dụng giao tiếp phi ngôn ngữ để hướng dẫn hành vi của trẻ.
Tại sao giao tiếp phi ngôn ngữ lại quan trọng
Giao tiếp phi ngôn ngữ tích cực có thể cải thiện mối quan hệ của bạn với con bạn. Đó là vì giao tiếp phi ngôn ngữ tích cực – như nụ cười và giao tiếp bằng mắt – cho con biết rằng bạn quan tâm đến chúng. Và bởi vì các mối quan hệ yêu thương, ấm áp là chìa khóa cho sự phát triển của trẻ, giao tiếp phi ngôn ngữ tích cực cũng giúp trẻ phát triển.
Giao tiếp phi ngôn ngữ tích cực rất quan trọng để giúp con học cách liên hệ và hòa đồng với người khác, đây là một kỹ năng quan trọng cho cuộc sống. Ví dụ, nếu bạn sử dụng ngôn ngữ cơ thể ấm áp, quan tâm đến con, điều đó sẽ giúp con học được cách thể hiện tình yêu thương. Nếu bạn dừng công việc đang làm để lắng nghe khi con có điều muốn nói, điều đó sẽ cho con thấy cách để thu hút sự chú ý của mọi người.
Ngược lại, giao tiếp phi ngôn ngữ tiêu cực có thể gửi thông điệp rằng bạn không quan tâm hoặc không muốn dành thời gian cho con. Trẻ có thể cảm thấy bị từ chối hoặc thất vọng nếu điều này xảy ra liên tục.
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể và giọng nói để cải thiện giao tiếp
Ngôn ngữ cơ thể và giọng nói là những phần quan trọng của giao tiếp phi ngôn ngữ. Bạn có thể sử dụng chúng để gửi đi những thông điệp phi ngôn ngữ tích cực và củng cố những gì bạn đang nói với con mình.
Dưới đây là một số ý tưởng cho giao tiếp phi ngôn ngữ tích cực:
-
Chạm vào cánh tay của con để cho con biết bạn quan tâm đến những gì bé nói hoặc làm.
-
Quay mặt về phía con và sử dụng nhiều giao tiếp bằng mắt. Điều này nói rằng: “Bố/mẹ đang dành cho con toàn bộ sự quan tâm của mình” và “Con quan trọng với bố/mẹ”.
-
Cúi xuống ngang tầm với của con bạn. Điều này cho thấy bạn muốn gần gũi và giúp con cảm thấy an toàn. Nó cũng giúp giao tiếp bằng mắt, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.
-
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể của bạn để cho con thấy rằng bạn đang cố gắng hiểu cảm xúc của chúng. Ví dụ, nếu bé cười với bạn, hãy cười lại. Nếu bé buồn, hãy gật đầu và chia sẻ nỗi buồn cùng con. Nếu con trông có vẻ bực bội, hãy giao tiếp bằng mắt và sử dụng giọng điệu bình tĩnh, trấn an.
-
Dùng giọng điệu dễ chịu, tư thế cơ thể và nét mặt thoải mái khi nói chuyện với trẻ. Điều này sẽ gửi thông điệp rằng bạn đang sẵn sàng lắng nghe. Nó cũng giúp con dễ dàng nhận ra sự khác biệt khi bạn không hài lòng với hành vi của chúng.
-
Nếu con thích được âu yếm, hãy cho chúng thật nhiều!
Giao tiếp phi ngôn ngữ đúng cách và phù hợp có thể củng cố lời nói của bạn. Ví dụ, mỉm cười khi bạn nói "Chào buổi sáng" sẽ gửi thông điệp rằng bạn rất vui khi gặp con. Nhưng nếu giao tiếp phi ngôn ngữ của bạn không khớp với lời nói của bạn, con có thể tin vào giao tiếp phi ngôn ngữ đó. Vì vậy, nếu bạn hỏi con một câu hỏi nhưng lại quay đi khi con bạn trả lời, rất có thể con sẽ nghĩ rằng bạn không thực sự quan tâm.
Xem thêm: "Tường tận" hành trình phát triển giao tiếp của trẻ từ 2-5 tuổi
Cải thiện giao tiếp phi ngôn ngữ trong gia đình
Các trò chơi và thử thách dành cho gia đình có thể là một cách thú vị để phát triển hiểu biết của bạn về giao tiếp phi ngôn ngữ trong gia đình.
Đây là một số ý tưởng:
-
Chơi các trò chơi liên quan đến suy đoán giúp trẻ điều chỉnh giao tiếp phi ngôn ngữ. Ví dụ: bạn có thể mỉm cười, gật đầu hoặc thay đổi nét mặt để đưa ra manh mối về mức độ chính xác của một câu đoán với câu trả lời.
-
Xem một chương trình TV với âm thanh tắt. Xem liệu bạn và con có thể nhận ra điều gì đang xảy ra hay không.
-
Thay phiên nhau luyện tập các giọng điệu khác nhau trong bữa tối – ví dụ: nói, "Con muốn ăn hoa quả" bằng giọng gắt gỏng và sau đó bằng giọng nhẹ nhàng.
-
Cùng con vẽ những bức tranh có khuôn mặt hoặc sử dụng đồ chơi để thể hiện cảm xúc. Điều này có thể giúp con tìm hiểu về cách chúng ta thường thể hiện cảm xúc mà không cần lời nói và cách nhận biết cảm xúc của người khác.
Cải thiện giao tiếp phi ngôn ngữ của trẻ
Trẻ học về giao tiếp phi ngôn ngữ bằng cách quan sát cách giao tiếp phi ngôn ngữ của bố mẹ. Bạn cũng có thể giúp con bạn giao tiếp phi ngôn ngữ theo những cách khác.
Ví dụ, con có thể đang đứng rất gần một người bạn và người bạn đó có vẻ không thoải mái hoặc bắt đầu lùi lại.
Bạn có thể nhẹ nhàng nhắc nhở con nhường chỗ cho bạn của chúng – ví dụ: “Nam, hãy nhường chỗ cho My một chút bằng cách lùi lại một bước. Làm tốt lắm, giờ My có nhiều không gian hơn rồi”. Nếu bạn nhận thấy con làm những điều tương tự sau này, bạn có thể khen ngợi chúng. Ví dụ: "Nam, mẹ thích cách con cho Hùng không gian để mở quà của bạn ấy tại bữa tiệc".
Sử dụng giao tiếp phi ngôn ngữ để hướng dẫn hành vi của con
Giao tiếp phi ngôn ngữ có thể hữu ích khi khoảng cách hoặc tiếng ồn khiến bạn khó nói chuyện. Ví dụ, bạn có thể cười và giơ ngón tay cái lên khi con nhận được giải thưởng ở trường hoặc giúp đỡ một người bạn trong sân chơi.
Tương tự như vậy, nếu bạn thấy con cư xử theo cách mà bạn không thích, bạn có thể sử dụng nét mặt và ngôn ngữ cơ thể của mình để gửi một thông điệp. Ví dụ, bạn có thể lắc đầu hoặc giơ tay ra hiệu dừng lại.
Bạn cũng có thể sử dụng giao tiếp phi ngôn ngữ để củng cố lời nói của mình khi con cư xử khó hiểu. Ví dụ, nếu bạn cần con dừng lại và lắng nghe, bạn có thể thử:
-
Nói với giọng điệu rõ ràng, chắc chắn. Ví dụ: “Nam, con đang quá thô bạo với bạn bè của mình. Hãy nhẹ tay và lịch sự với bạn”.
-
Duy trì giao tiếp bằng mắt và giọng nói nhất quán.
-
Cúi xuống ngang tầm con.
-
Nắm chặt tay con để thu hút sự chú ý của chúng nếu chúng không nhìn lên.
Có thể khó để hòa hợp giao tiếp phi ngôn ngữ và lời nói của bạn khi con làm hoặc nói điều gì đó buồn cười nhưng lại không thể chấp nhận được. Ví dụ: Nếu một đứa trẻ lặp lại điều gì đó thô lỗ mà người lớn đã nói.
Bạn có thể buồn cười vì không ngờ tới, nhưng điều đó sẽ gửi một thông điệp sai lệch. Nếu lời nói và tín hiệu phi ngôn ngữ của bạn khớp với nhau, con có thể hiểu rằng hành vi này là không thể chấp nhận được. Vì vậy, hãy cố gắng giữ vẻ mặt nghiêm túc và sử dụng giọng điệu kiên quyết để nói điều gì đó như "Trong gia đình chúng ta, mọi người phải nói chuyện với nhau một cách lịch sự".
Giao tiếp phi ngôn ngữ và trẻ có nhu cầu bổ sung
Trẻ tự kỷ và trẻ có nhu cầu bổ sung khác có thể gặp khó khăn trong giao tiếp, kể cả giao tiếp phi ngôn ngữ.
Ví dụ, trẻ tự kỷ thường cần được dạy về giao tiếp bằng mắt. Bạn có thể làm điều này bằng cách giữ những đồ vật mà bạn biết con muốn ngay trước mắt bạn. Tiếp tục làm điều này cho đến khi con tự động nhìn lên khi chúng muốn thứ gì đó. Nhưng ngay cả khi trẻ tự kỷ biết cách sử dụng giao tiếp bằng mắt, chúng vẫn có thể lắng nghe tốt hơn khi không nhìn thẳng vào mắt người nói. Bạn có thể cần điều chỉnh cách giao tiếp của mình tùy thuộc vào điều gì phù hợp nhất với con bạn.
Một số trẻ cũng nhạy cảm về giác quan và có thể thấy khó tiếp xúc cơ thể như ôm. Những đứa trẻ này có thể cảm thấy thoải mái hơn với những biểu hiện ấm áp hoặc tán thành khác. Hãy suy nghĩ về loại giao tiếp phi ngôn ngữ mà con bạn thích nhất và sử dụng điều này để thể hiện sự tán thành. Ví dụ: vỗ tay, nháy mắt hoặc giơ ngón tay cái lên.
Xem thêm: Thứ tự sinh ảnh hưởng đến đặc điểm tính cách của con bạn như thế nào?