Tin tức & Sự kiện

LÀM ANH KHÓ ĐẤY, PHẢI Đ U CHUYỆN ĐÙA

LÀM ANH KHÓ ĐẤY, PHẢI ĐÂU CHUYỆN ĐÙA

Bạn luôn mong muốn con cái mình luôn yêu thương và nhường nhịn lẫn nhau. Tuy nhiên, với các gia đình có hai con mà khoảng cách giữa trẻ chỉ từ một đến bốn tuổi thì những mâu thuẫn, tranh giành, cãi cọ nhau là điều không thể tránh khỏi. Đặc biệt, là thời điểm trẻ bắt đầu với mối quan hệ anh/chị - em, do bởi, đây là lúc trẻ vẫn còn bỡ ngỡ, chưa nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình. Và bạn có thể làm gì để giúp con có thể thích nghi và yêu thích với vai trò ấy?

Với những gợi ý dưới đây, mong rằng bạn sẽ có thêm những kinh nghiệm để đồng hành cùng con trong những vai trò mới mà con đã, đang và sẽ đảm nhiệm trong tổ ấm gia đình bạn.

1. Nói cho trẻ biết về vai trò của chính mình.

Trẻ cần làm quen với sự xuất hiện của một thành viên mới. Trẻ rồi sẽ nên xem em là một người bạn thân thiết trong nhà, sẽ cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi. Ba mẹ cần có một chủ đích thực sự trong việc giúp trẻ đối mặt trước những sự thay đổi trong cuộc sống – cụ thể, khi mà con không còn là “đứa bé duy nhất” trong gia đình. Vai trò của trẻ trong nhà sẽ “lớn hơn”, “quan trọng hơn”, “ba mẹ cần sự giúp đỡ của con”, vì con được – làm – anh – chị.  Hãy để trẻ đón nhận trách nhiệm của mình 1 cách trang trọng và đầy hứng khởi: làm anh/ chị vì mình lớn, vì mình có ích, vì em bé nhỏ cần được mình bảo vệ và chăm sóc.

2. Con nào cũng cần thời gian và không gian riêng tư.

Khi gia đình có thành viên mới, ba mẹ thường dành hầu hết thời gian cho con nhỏ, đặc biệt là mẹ, vì phải thường xuyên pha sữa, thay tã, tập ăn dặm,… Có bao giờ ba mẹ đặt câu hỏi: bao lâu rồi không dắt con lớn đi chơi công viên, kể chuyện, ru con ngủ,… những việc vốn rất quen thuộc trước khi trẻ có em. Con làm anh/chị sẽ cảm thấy “thiếu thốn”. 

Nếu mẹ quá bận thì ba, ông bà nên dẫn trẻ đi chơi, để trẻ cảm thấy vẫn được yêu thương, chăm sóc và không bị bỏ rơi. Các mẹ nên tranh thủ dành một ít thời gian khi con nhỏ ngủ để tâm sự, nói chuyện hoặc cùng con lớn chơi đồ chơi. Điều này, củng cố một cách trực tiếp niềm tin của trẻ trước những lời bàn tán của mọi người về việc “bị ra rìa” – trẻ sẽ thấy vẫn đang được quan tâm, vẫn được ba mẹ chơi cùng.

3. Trở thành “trọng tài khéo léo” khi giữa các con có xung đột.

Xuất phát từ nhu cầu muốn có bạn cùng chơi, hầu hết trẻ thích có em, nhưng khi đã có em thì cảm xúc của trẻ đôi khi biến đổi theo hướng “phủ định em”, mặc dù trước đó có thể rất háo hức. 

Nguyên do trẻ vẫn còn nhỏ để hiểu tường tận về vai trò của mình, để có năng lực xử lý ổn thỏa việc xung đột lợi ích với em, như giành đồ chơi; để quản lý tốt cảm xúc và cư xử mềm dẻo, ôn hòa. Trẻ có thể quát mắng, xô ngã, thậm chí đánh em – và sau đó là các trẻ đánh nhau! Đừng vội phủ đầu trẻ lớn bằng những nhận định: “con giành với em”, “con bắt nạt em” và đi kèm sau đó là những yêu cầu không căn cứ “con đưa cho em đi”, “con phải nhường em”, “em đòi thì để cho em”,… Cách cư xử này vừa tạo nên sự ấm ức ở trẻ lớn, đồng thời có thể hình thành cho trẻ nhỏ suy nghĩ “mình là người luôn được hưởng sự ưu tiên”. 

Ba mẹ phải thực sự công tâm trước xung đột giữa các con. Ở những trường hợp này, giải pháp tình thế sẽ là tách các trẻ ra để không xảy ra hậu quả đáng tiếc. Sau đó, lắng nghe cả hai trẻ để có thông tin đầy đủ, nhiều chiều về câu chuyện. Ba mẹ đừng vội vàng đưa ra mệnh lệnh sau khi vấn đề được các con tường thuật – hãy nhượng quyền điều này lại cho trẻ bằng yêu cầu: “Theo các con, bây giờ mình phải làm gì?”. Chính việc được đưa ra quyết định sẽ hình thành cho trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề và cả ý thức về trách nhiệm của chính mình.

Để kiểm soát những xung đột này tốt hơn, bố mẹ cũng phải đồng thời thực hiện nhóm giải pháp thứ hai – giải pháp lâu dài và toàn diện: cùng trẻ xây dựng quy tắc ứng xử chung và để trẻ tự căn cứ vào đó mà hành xử với nhau. Đây mới thực sự là điều kiện đảm bảo cho trẻ hình thành ổn định năng lực “chung sống hòa bình với người khác”.