NUÔI DẠY CON THỜI 4.0 – ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT LÀ TẠO ĐƯỢC THÓI QUEN VÀ SỞ THÍCH TÍCH CỰC CHO CON.
NUÔI DẠY CON THỜI 4.0 – ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT LÀ TẠO ĐƯỢC THÓI QUEN VÀ SỞ THÍCH TÍCH CỰC CHO CON.
Những khó khăn trong việc nuôi con thời đại công nghệ cũng là những khó khăn mới mà giờ đây chúng ta mới phải đối diện. Và chúng ta, không có cách nào khác là phải học hỏi và cập nhật không ngừng; bởi vì giờ đây, ngoài tình thương yêu thì hành trang làm cha mẹ của chúng ta dường như quá ít ỏi.
Có thể nói, thời đại công nghệ đã thay đổi trạng thái sống của tất cả chúng ta. Nếu trước đây mình có thể ngồi cả ngày để đọc một cuốn sách thì giờ đây gần như tất cả chúng ta đã không thể làm như thế nữa. “Cuộc chiến smartphone” có thể nói là vô cùng cam go trong mỗi gia đình. Thời đại công nghệ với luồng thông tin dồn dập và đa chiều, với các thiết bị điện tử hiện đại đều là những trải nghiệm mới mẻ mà chúng ta chưa có trong truyền thống, chưa được ông bà bố mẹ truyền dạy. Những khó khăn trong việc nuôi con thời đại công nghệ cũng là những khó khăn mới mà giờ đây chúng ta mới phải đối diện. Và chúng ta, không có cách nào khác là phải học hỏi và cập nhật không ngừng; bởi vì giờ đây, ngoài tình thương yêu thì hành trang làm cha mẹ của chúng ta dường như quá ít ỏi.
Đầu tiên, chúng ta phải nhìn nhận công nghệ 4.0 là một cuộc cách mạng.
Đã là cách mạng thì nó thường là một bước tiến, có rất nhiều cái mới xuất hiện nhưng cũng sẽ có nhiều cái mất đi. Kinh nghiệm, trải nghiệm và cả hệ giá trị cũng không ngoại lệ. Và vì vậy, thời đại công nghệ là một hiện thực mới mà chúng ta cần thích nghi, thừa nhận, nó có mặt tích cực, mặt tiêu cực nhưng nó hoàn toàn không phải là 1 hiểm họa.
Thứ đến, nói về lợi ích của thời đại công nghệ, theo mình có những điểm sau:
Nó đã mở ra cơ hội học hỏi, tiếp cận vô cùng rộng lớn để tất cả chúng ta đều có thể trở thành những công dân toàn cầu. Cơ hội tiếp cận về giáo dục sẽ khiến cho những ai biết tận dụng công nghệ xóa nhòa được sự bất bình đẳng giữa nông thôn và thành thị, giữa nước đang phát triển và nước phát triển…
Công nghệ và đặc biệt là mạng xã hội tạo thành những cộng đồng mới, “những cộng đồng tưởng tượng” (theo cách nói của nhà dân tộc học B. Anderson). Nó thiết lập nên các cộng đồng vừa xa vừa gần, là ảo nhưng cũng là thực mà trước đây không có. Các mối quan hệ huyết thống (đặc biệt là huyết thống xa) có thể sẽ dần dần nhường chỗ cho các quan hệ mang tính ý hướng nhiều hơn (Rõ ràng chúng ta gần như ai cũng đang tham gia vào một nhóm, một cộng đồng chung chí hướng nào đó; chúng ta có thể chia sẻ với nhau, tìm sự đồng cảm, thể hiện bản thân mình… một cách thoải mái trong cộng động ấy. Chúng ta dành nhiều thời gian để tương tác và thiết lập các mối quan hệ trong cộng đồng ấy nhiều hơn với các kiểu anh-chị-em-họ truyền thống).
Giờ đây, rõ ràng chúng ta có một cuộc sống quá tiện ích, muốn gì có nấy. Grab có thể ship đồ ăn đến tận bàn ăn cho chúng ta. Những huyền thoại (R.Bathes có cuốn sách như thế) đúng là có thật. Chỉ cách đây 5 năm mình không thể tưởng tượng được trong một ngày mình phải học cài đặt nào ví Momo, ví Moca cho đến Be, Goviet… Các khu chợ “chung cư” trên facebook hoạt động vô cùng sầm uất, sôi nổi ở bất cứ khu chung cư nào. Với việc online thuận tiện, e rằng nhà mặt phố trong một ngày không lâu cũng sẽ mất giá chăng?
Nhìn chung nói về lợi ích thì ai cũng thấy rõ, còn bất lợi – hay khó khăn – cụ thể trong việc nuôi dạy con có thể kể đến những điều sau:
Bố mẹ cũng bị nghiện công nghệ rất nhiều.
Việc quá nhiều thông tin, trong đó có cả những thông tin độc hại thiếu kiểm soát ồ ạt đến với trẻ và đa số trẻ chưa kịp hình thành hệ giá trị, chưa tự kiểm soát được mình dễ dẫn đến nhận thức sai lệch nếu bố mẹ không kịp “học” để định hướng. Cũng như cuộc đời, những rủi ro trên mạng lúc nào cũng có.
Các mạng xã hội với vô số thông tin và trào lưu cũng dễ khiến phụ huynh hoang mang, không biết cái gì là đúng.
Lười vận động, mắt kém, hạn chế giao tiếp là điều mà chúng ta đã thấy rất rõ. Điều này nếu không được cân bằng, thì cả sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất đều có thể bị giảm sút.
Có thể nói, gần như tất cả phụ huynh thời nay đều cảm thấy nuôi con thật vất vả và nhiều lo âu. Làm sao để chính mình, để con mình hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử; làm sao để con không vào các trang web đen, làm sao để kiểm soát con đặc biệt giai đoạn tuổi dậy thì…. Chúng ta – những phụ huynh thời 4.0 phải làm thế nào. Mình xin trả lời những thắc mắc lo âu của các bố mẹ như sau:
1. Có nên cấm trẻ dùng thiết bị điện tử không:
Theo mình là không. Thực ra nếu bạn muốn con bạn không dùng thiết bị điện tử sớm thì bạn phải là người làm gương – hạn chế dùng trước mặt con. Khi trẻ đủ nhận thức (thường gần đến tuổi dậy thì) – nhu cầu khám phá và tự chủ của trẻ rất lớn (thông thường hiện nay trẻ lớp 5 thường đã có điện thoại) – thường sẽ có một nghịch lý là càng cấm lại càng tò mò. Mặt trái của cấm là ức chế tinh thần và sinh ra dùng lén lút; chúng ta càng khó khăn trong việc kiểm soát trẻ.
2. Vậy không cấm, thì phải làm thế nào để kiểm soát và hạn chế:
Theo mình, chúng ta rất khó kiểm soát được những cái ngoài mình; chúng ta chỉ có thể lựa chọn và kiểm soát chính mình mà thôi. Con cái chúng ta cũng vậy. Cái khó khăn lớn nhất của thời đại công nghệ là kiểm soát chính bản thân mình.
- Nên rèn luyện thói quen và sở thích lành mạnh cho trẻ từ nhỏ (Bồi dưỡng nội lực luôn là quan trọng nhất). Ví dụ con gái mình thích đọc sách, yêu động vật thì cháu sẽ dành thời gian nhiều cho việc ấy. Lúc ấy, kể cả con vào youtube hay google, con cũng thường có thiên hướng tìm hiểu/ đọc những lĩnh vực con thích.
- Đặt ra các mục tiêu cụ thể cho con. Giới thiệu hoặc mua một số phần mềm học để giao nhiệm vụ cho con học trên mạng, tránh thời gian nhàn rỗi.
- Tạo ra các hoạt động hướng ngoại cho con (dã ngoại, chơi thể thao…)
- Theo mình, nhất định phải dạy con làm việc nhà và hàng ngày biết làm những việc đơn giản giúp bố mẹ.
- Khi con ở nhà 1 mình – ví dụ như mùa hè này; mình sẽ có một thời gian biểu cho con. Trong đó, mình thường phân ra Thời gian tự do và thời gian bắt buộc. Ở phần thời gian tự do – thường là được làm những gì con thích (ví dụ con mình thích đọc sách – mình mua cả loạt từ đầu hè; thích làm mô hình – mình xin rất nhiều thùng caton về, thích vẽ - mình cũng chuẩn bị rất nhiều từ đầu hè); ở phần thời gian bắt buộc – thường là những gì con cần học (phần này mẹ sẽ cho những việc mà con chưa thích, ví dụ mỗi ngày phải đọc 1 bài tiếng Anh, làm 1 bài toán…)
- Nên có quy định mỗi ngày con được sử dụng máy tính/ điện thoại mấy tiếng (như nhà mình là từ 1-2h) – Khi con ở nhà 1 mình nên tính toán lập thời gian biểu thế nào cho khả thi.
- Đa số trẻ con đều thích chó hoặc mèo. Vì thế bạn nào nghiện youtube quá, bố mẹ hãy thử thưởng cho bạn ấy em thú cưng. Nuôi 1 con chó hoặc 1 con mèo, theo mình rất có lợi cho việc phát triển EQ và trẻ cũng sẽ có trách nhiệm hơn khi phải chăm 1 con gì đó nhỏ bé hơn mình.
- Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể cài đặt các phần mềm hẹn giờ; bật các nút chặn kênh hay đăng kí các gói kiểm soát trang web đen của nhà mạng để hạn chế thời gian và các thông tin độc hại. Tuy vậy, đây là cách làm bị động, mang tính áp chế, rủi ro vẫn khá cao. Rõ ràng, tất cả chúng ta đều không thể kè kè bên con 24/24, đặc biệt khi con đến tuổi dậy thì, dần dần tách khỏi bố mẹ. Vì vậy, để con có thể chống lại những tác hại mà thời đại công nghệ mang lại, thì điều quan trọng nhất vẫn là nội lực của chính con. Nội lực ấy đến từ sở thích và thói quen lành mạnh, đến từ động lực và mục tiêu sống, đến từ việc nhận thức được lẽ sống; đến từ hệ giá trị mà con theo đuổi…. Cây non dễ uốn – để có được những điều đó, tốt nhất, chúng ta nên chăm sóc từ nhỏ và bố mẹ luôn là tấm gương của con cái. Tuy vậy, lúc nào cũng là chưa muộn nên hãy cố gắng thực hiện.
- Một điều nữa là, chúng ta kiểm soát con như thế nào. Cách kiểm soát con tốt nhất là làm bạn cùng con. Con mình thích BTS mình cũng phải tìm hiểu và nghe BTS; con mình chuyển sang Wana one mình cũng phải đi nghe Wana one. Đúng là làm bố mẹ thời 4.0 phải học hỏi quá nhiều thứ và trẻ con thì phát triển quá nhanh khiến nhiều khi bố mẹ hụt hơi. Nhưng hụt hơi thì vẫn phải cố vì chẳng còn cách nào khác. Có người đặt câu hỏi là “Có mâu thuẫn nào giữa quan điểm “buông tay để con bay” và tác dụng phụ khi để con tự do? Bao nhiêu là vừa đủ”.
Thực ra một phụ huynh yêu thương và nhận thức đúng đắn, sẽ biết khi nào thì con đủ lông đủ cánh để “buông tay cho con bay”. Lúc nào và thế nào là vừa đủ phải phụ thuộc đầu tiên vào đứa trẻ. Nó có đủ nhận thức hay không, có thể tự lập hay không một phần do cách nuôi dạy và định hướng của chúng ta. Cha ông ta có câu “lạt mềm buộc chặt” – điều này đúng cả với việc kiểm soát con.
Sẽ không có ai, không có đứa con nào cảm thấy hạnh phúc khi không được tự do. Tuy vậy, để con tự do hay giáo dục thuận tự nhiên không phải là “thả nổi” hay kệ muốn làm gì thì làm. Thuận tự nhiên chính là phương pháp lấy trẻ làm trung tâm, nương theo thiên hướng tự nhiên, điểm mạnh tự nhiên của trẻ để có phương pháp và mục tiêu phù hợp. Để có được điều đó, chúng ta cần phải hiểu rất rõ về bản năng, cá tính, điểm mạnh, điểm yếu… của trẻ. Tóm lại, để con có thể bay mà không rơi xuống đất, thì cũng cần chuẩn bị cho con đôi cánh, sức mạnh và khả năng tìm đường để không bị lạc lối.
Thời đại của “những huyền thoại” đã khiến cho cuộc sống của tất cả chúng ta thay đổi rất nhiều, chúng ta không thiếu ăn thiếu mặc nhưng chúng ta hoang mang. Chúng ta hoang mang vì lung lay trước quá nhiều thông tin, vì chúng ta không kiên định với con đường hay giá trị mà mình theo đuổi; hoặc cũng vì chúng ta chưa từng xác lập được một hệ giá trị cho riêng mình, chúng ta chưa đủ minh tuệ để thấu đạt tất cả. Tuy nhiên, có một cách để chúng ta kiên định và bình tâm hơn, đó chính là thừa nhận những hạn chế và bất toàn của mình; Và TIN.
Hãy tin những đứa trẻ.
Hãy thừa nhận chúng và cả thời đại công nghệ cũng có nhiều điểm tốt.
Hãy đừng đẩy con bạn vào trạng thái cô đơn. Khi bạn không tin con, hay con mất đi niềm tin từ bạn, lúc ấy, chính là lúc bạn bất lực và mất kiểm soát.
Mình cũng là một người mẹ bình thường như bao người khác, mình thừa nhận rằng làm mẹ là một việc thuận tự nhiên nhưng cũng là việc khó khăn nhất trên đời buộc chúng ta phải nghĩ suy mỗi ngày.
Diêu Lan Phương (TS. Văn học ĐH KHXH & NV HÀ NỘI; CHỦ NHIỆM CLB NGÔN NGỮ & EQ)