Tin tức & Sự kiện

TÔI XÂY DỰNG THÓI QUEN ĐỌC SÁCH VÀ GIỮ GÌN SÁCH CHO CON NHƯ THẾ NÀO?

TÔI XÂY DỰNG THÓI QUEN ĐỌC SÁCH VÀ GIỮ GÌN SÁCH CHO CON NHƯ THẾ NÀO?

Khi bắt  đầu hành  trình làm mẹ, một trong những điều tôi muốn mang đến cho con là tình yêu đọc sách, tình yêu với trí thức. Lúc nhỏ đọc sách là thời gian kết nối gia đình, trở thành món ăn tinh thần hằng ngày và đứa con nhỏ của tôi đã xây dựng được thói quen đọc sách và duy trì cho đến bây giờ.

Xây dựng và duy trì thói quen đọc sách

Giờ đọc sách của gia đình là trước khi đi ngủ vào buổi tối, trong ngày con vẫn có thể được đọc, tuy nhiên nhịp điệu đọc sách chính thức là vào buổi tối trước khi đi ngủ được duy trì liên tục và đều đặn. Tôi thường hát một bài hát để báo hiệu đến giờ đọc sách rồi, việc này tuy bé nhỏ nhưng rất ý nghĩa thay vì giục giã: “Con ơi đi đọc sách thôi!” thì bài hát là lời báo hiệu cho sự chuyển tiếp nhẹ nhàng.

Đọc sách vào buổi tối trước giờ đi ngủ như là giờ thư giãn, là thời gian gắn kết với ba mẹ với con cái và là cách làm chậm dần các hoạt động giúp con dễ dàng đi vào giấc ngủ.

Mỗi buổi tối, đọc không quá 2 quyển sách. Có nhiều phụ huynh chia sẻ rằng, con thích đọc nhiều sách, mỗi lần đọc hơn 10 quyển mới chịu đi ngủ. Ba mẹ nên nhớ rằng, ranh giới, kỷ luật là do bố mẹ tạo ra. Việc đọc ít, để con dễ dàng ghi nhớ nội dung sách, ngôn ngữ hơn là việc đưa quá nhiều thông tin một lúc làm con rối trí. Con có rất nhiều thời gian, ba mẹ không phải vội.

Tạo thói quen gìn giữ và bảo vệ sách

Khi con còn nhỏ, đôi lần con làm rách sách, tôi thể hiện sự đau lòng, tay ôm quyển sách và nói: “Con làm bạn sách đau rồi, bạn sẽ buồn lắm đấy, con ôm bạn đi”,“Mình nhẹ nhàng với bạn thôi con nhé!”.  Sau đó lấy băng keo dán những chổ rách lại với thái độ yêu thương, chăm sóc, thông cảm cho “nỗi đau” của bạn sách và thường nói: “Ôi, bạn sách đau rồi, để mẹ băng bó vết thương cho sách nhé”, “Bạn Win sẽ cầm sách nhẹ nhàng .” “Bạn Win sẽ lật từng trang sách nhẹ nhàng”, “Bạn Win xin lỗi sách nhé”.

Khi con đọc sách mà vứt lung tung, không cất vào đúng chỗ, tôi nói với con rằng: Bạn sách có nhà, con cho bạn sách về nhà đi, bạn ngủ ở đây lạnh lắm”, “Bạn ở đây buồn lắm”. Sau đó, đem sách bỏ lại lên kệ và nói thay sách “Ôi, sướng quá, con được về nhà rồi, con cảm ơn mẹ nhiều nhiều”,  “Ở nhà mình thật sướng mẹ nhỉ!”.

Viết, vẽ bậy lên sách, tôi nói: “Ôi còn làm bẩn bạn rồi, bạn sách không thích đâu”, “Mặt bạn lấm lem thế này, bạn sách buồn đó”. “Con muốn vẽ thì vẽ lên giấy này/hoặc bảng/hoặc vở”

Với tâm thức của trẻ nhỏ - “tất cả là một”, “ mình với bạn/đồ vật là một”,  trẻ sẽ cảm nhận được bạn sách “đau”, bạn sách “buồn” như thế nào và dần dần không còn làm rách sách, không vứt sách, mà yêu quý sách, xem sách như một người bạn cần được yêu thương, nhẹ nhàng, cần được gìn giữ và bảo vệ.

Khi giao tiếp với trẻ, ba mẹ cần dùng ngôn ngữ tích cực, thể hiện điều mình muốn trẻ thực hiện, vì trẻ cần được hướng dẫn cụ thể việc trẻ cần phải làm, việc trẻ làm đúng là như thế nào, thay vì nói “Không” hoặc “Cấm”. Khi bạn nói: “Con không được làm rách sách”, điều trẻ ghi nhận là “làm rách sách”. Cũng như càng cấm, thì việc đó càng diễn ra. Khi bạn nói: “Con nên lật sách nhẹ nhàng”, trẻ sẽ hiểu là “con sẽ lật sách nhẹ nhàng”. Tuy nhiên, ba mẹ cần lặp đi lặp lại điều này, bạn không thể yêu cầu trẻ hành động đúng ngay sau lần yêu cầu đầu tiên. Trẻ cần thời gian, người lớn cần nhẫn nại và tin tưởng.

Trẻ càng lớn, thì tính kỷ luật càng cao. Ba mẹ nên cất sách đi một thời gian nếu trẻ vẫn chưa thay đổi thói quen cũ, sau đó ba mẹ hãy đem sách trở lại, quan sát cách hành xử của trẻ và tiếp tục điều chỉnh.

Tạo thói quen ngăn nắp, phân loại sách

Cho dù có rất nhiều sách, ba mẹ chỉ nên bày ra số lượng sách vừa đủ, nội dung phù hợp với độ tuổi được sắp xếp phân loại (theo kích cỡ, hoặc theo loại sách) trong một cái kệ nhỏ để trẻ dễ dàng lấy sách ra đọc và cất sách đúng chỗ.

Sách được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, không quá chật chội, không gian dễ lấy ra, dễ cất vào ba mẹ sẽ dễ dàng hướng dẫn, dần dần sẽ nuôi dưỡng tính tự giác và tự lập cho trẻ.

Một tháng, hoặc hai tháng có thể bổ sung sách mới vào, cất đi những quyển sách trẻ không hứng thú nữa, hoặc những quyển sách đọc quá nhiều lần. Nếu quyển sách nào trẻ đặc biệt thích thì để lại.

Quá nhiều sách, khiến con phải lựa chọn, việc ra quyết định chọn lựa trong giai đoạn này là không cần thiết đối với trẻ. Ba mẹ phải là người ra quyết định, bởi ba mẹ đã đủ ý thức và nhận thức điều gì là phù hợp, là tốt nhất đối với trẻ. Không để trẻ làm thay nhiệm vụ của người lớn khi trẻ chưa phát triển đầy đủ nhận thức và ý thức.

Nuôi dưỡng lòng biết ơn và sự trân quý đối với sách

Sau khi đọc sách tôi nói “Cảm ơn bạn sách nhé!?"

Khi cất vào kệ thì nói: “Chúc bạn sách ngủ ngon! Win cũng đi ngủ đây."

Đó là một phần giáo dục lòng biết ơn, tôn trọng và trân quý sách. Con xem sách như là một người bạn, một thành viên của gia đình.

Điều ba mẹ cần nhớ

Để xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ, trẻ cần nhìn thấy ba mẹ cũng yêu thích việc đọc sách, nhìn thấy ba mẹ đọc sách.

Cho dù ba mẹ nói nhiều bao nhiêu, khuyên bảo bao nhiêu ích lợi việc đọc sách cho trẻ cũng không bằng ba mẹ là tấm gương, là hình mẫu cho việc đó.

Giáo dục thực sự, xuất phát từ sự tự giáo dục của người lớn.

Tác giả: Trần Thị Thanh Huyền – Hiệu trưởng trường Mầm non Sunflower