Tin tức & Sự kiện

LÀM BẠN NHÉ!

LÀM BẠN NHÉ!

 

 

Tình bạn là một món quà quý báu mà ngay cả trẻ mẫu giáo cũng có thể trao và nhận. Là một người bạn, và có một người bạn sẽ mang lại lợi ích thực sự cho trẻ nhỏ.

1.Tình bạn phát triển như thế nào?

Vào khoảng ba tuổi, trẻ bắt đầu thích chơi với những đứa trẻ khác. Chúng kết bạn dựa trên sự tương đồng, giống nhau ( cùng là những cậu bé hoặc cùng là những cô bé) và có sự gần gũi (là hàng xóm hoặc bạn học cùng lớp). Có thể, chúng không xem mối quan hệ đó là tình bạn. Thay vào đó, đơn giản là trẻ chỉ thích có bạn chơi và chơi cùng đồ chơi với chúng.

Trẻ mẫu giáo lớn hơn (bốn tuổi và năm tuổi) bắt đầu tìm hiểu “ý nghĩa” của việc trở thành một người bạn: Nhận thức được bạn bè của mình đang nghĩ gì và cảm thấy gì, học cách chia sẻ và thay phiên nhau đưa ra các “quy tắc” của trò chơi để tất cả cùng làm theo. Chúng cũng bắt đầu có vốn từ vựng để giải thích những gì chúng nghĩ và cảm nhận.

2.Trẻ nhận được lợi ích gì từ tình bạn?

Kỹ năng xã hội: Trong môi trường trường học và cuộc sống, trẻ học cách chia sẻ, lắng nghe người khác và tham gia vào cuộc trò chuyện, giao tiếp,... Trẻ còn học cả cách cho và nhận. Chúng thực hành tất cả những điều này khi tương tác với bạn bè và bạn chơi của mình.

Kỹ năng điều chỉnh cảm xúc: Thông qua các mối quan hệ bạn bè, trẻ học được sự đồng cảm (Liệu bạn có thể cảm thấy buồn nếu mình không quay đầu lại khi bạn gọi?) và học cách tư duy linh hoạt hơn (nếu không ai muốn chơi nhà, chúng ta có thể chơi trường thay vì không chơi?).

Cảm thấy an toàn và thuộc về: Việc trở thành một phần, một thành viên của một nhóm các gương mặt thân thiện giúp trẻ cảm thấy an toàn. Khi trẻ ở trong tập thể đó, chúng dễ dàng học hỏi hơn vì không phải đối mặt với nhiều cảm xúc lo ngại hay hoang mang về những người hay nơi chốn xa lạ.

Gia tăng lòng tự trọng: Biết rằng mình có thể trao đi và nhận về trong tình bạn, trẻ cảm thấy trân quý chính bản thân mình và bạn bè của mình.

Giảm căng thẳng: Cho dù đó là sự an toàn đến từ việc có một người bạn tốt hay những tiếng cười mà chúng chia sẻ cùng nhau, tình bạn giúp giảm cảm giác căng thẳng ở trẻ.

3. Bạn có thể làm gì để hỗ trợ con?

Là cha mẹ của một trẻ mẫu giáo, bạn có thể hỗ trợ con kết bạn và trở thành một người bạn tốt. Tạo ra bối cảnh thuận lợi bằng cách gợi ý con mời bạn bè tham gia các buổi vui chơi hoặc gặp gỡ ở sân chơi. Bạn đừng chỉ giới hạn thời gian ở trường mầm non là đủ. Các cuộc gặp một-một hoặc nhóm nhỏ cũng rất giá trị. Một số trẻ em phát triển mạnh trong các nhóm lớn ồn ào và náo nhiệt, trong khi những trẻ khác cần những cuộc gặp gỡ nhóm nhỏ nhẹ nhàng và yên tĩnh.

Bạn có thể đóng vai một người bạn bất kỳ phù hợp để hỗ trợ kỹ năng kết bạn nào mà con bạn gặp khó khăn, chẳng hạn như chia sẻ, lắng nghe, giải quyết xung đột hay tham gia hoạt động tập thể. Trước khi chơi, hãy thảo luận về những gì con bạn có thể làm và nói, như hỏi bạn của mình: Bạn muốn chơi với các loại ô tô hay ghép tranh? Sau đó, hãy khen ngợi con về những hành vi tích cực ở con: Con đã sắp xếp các loại ô tô thành một hàng thật đẹp; Con đã thật kiên nhẫn hướng dẫn ba/mẹ chơi cùng... Bạn có thể chơi cùng con để giúp con luyện tập, và  sau đó gợi ý để con có thể mang đồ chơi ra ngoài trong thời gian chơi cùng bạn bè.