Kỷ luật mềm, cho con thêm cứng cỏi!
Kỷ luật mềm, cho con thêm cứng cỏi!
Ranh giới giữa thương yêu và nuông chiều con rất mong manh. Tuy nhiên, với bậc làm cha làm mẹ nghiêm túc kỷ luật trẻ lại là một thách thức khó nhằn.
Phải làm sao để với con, kỷ luật như một hình thức giảng dạy chứ chẳng phải là những răn đe hay trách phạt?
Những nghiên cứu từ Tiến sĩ Tâm lý Lâm sàng Laura Markham theo chân các bạn nhỏ từ khi bé xíu đến lúc trưởng thành đã đáp lời những băn khoăn ấy.
Dưới đây là 3 trong số những “gạch đầu dòng” quan trọng nhất hướng dẫn hàng ngàn ông bố bà mẹ trong quá trình nuôi dạy trẻ bằng phương pháp kỷ luật tích cực. Bố mẹ “ngâm cứu” cùng Umbalena nhé!
1. Điều chỉnh bản thân trước khi “điều chỉnh” con
Tâm hồn trẻ vốn rất mỏng manh, với con nhỏ bố mẹ càng phải kiên nhẫn, dịu dàng bội phần!
Những gắn kết với con được tạo lập từ những nỗ lực nhỏ và bền bỉ. Là bố, là mẹ cũng cần không ngừng học cách lắng nghe, thấu hiểu và đáp lại những nhu cầu của trẻ, tạo cho con cảm giác an toàn trong quá trình khôn lớn.
Bố mẹ học cách chấp nhận những đặc điểm tính cách ngay cả lúc con cáu giận hay khó chịu đồng thời quản lý được chính cảm xúc giận dữ tức thì của bản thân. Đó chính là điều kiện cần để những gắn kết với con trở nên bền chặt. Những gắn kết ấy chính là nền tảng để truyền đạt đến con những bài học kỷ luật.
2. Thắt chặt kết nối
Nhiều thập kỷ nghiên cứu đã chứng tỏ rằng thay vì vội đặt những nguyên tắc, bố mẹ nên từ tốn hướng dẫn cảm xúc cùng con, từ ấy con sẽ phát triển khỏe mạnh và dễ dàng chấp nhận những hình thức kỷ luật được đặt ra.
Ngược lại, việc thiếu quan tâm, bỏ mặc con với những cảm xúc tiêu cực bùng nổ sẽ khiến khoảng cách giữa trẻ và bố mẹ ngày càng xa cách, con sẽ gặp khó khăn với việc tự đối mặt với nhiều vấn đề ngoài kia.
3. Huấn luyện con, chứ đừng kiểm soát!
Nguyên tắc của việc áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực là huấn luyện trẻ tự xử lý cảm xúc, kiểm soát hành vi và hình thành kỹ năng cá nhân chứ không bắt ép con để có được sự vâng lời tức thì.
Những bậc cha mẹ chín chắn càng nói không với hai chữ “Trừng phạt” dù là bất kỳ hình thức nào.
Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường không tồn tại bất kể quy tắc nào sẽ giới hạn cơ hội cho con được cọ xát, rèn mình tính kỷ luật. Thế nhưng nếu những nguyên tắc đặt ra với mục đích ép buộc cũng sẽ hình thành trong trẻ tính phản kháng. Vận dụng tốt 3 ý tưởng này để quá trình nuôi dạy con cân bằng giữa kỷ luật và yêu thương, bố mẹ nhé!